Bài 3: LÀM BÁO CHỐN LAO TÙ
Dù nhỏ bé/Dù tay không/Khi cuộc sống đã thấm nhuần chân lý/Và hờn căm đã nung thành vũ khí/Cùng đoàn kết đứng lên để giành lại sống còn... Đó là một đoạn trong bài thơ "Vì sao ta thắng Mỹ" của V.P, đăng trong tập san Sinh Hoạt số đặc biệt mừng xuân Quý Sửu 1973, của tù chính trị câu lưu phòng 8 Trại VI khu B nhà tù Côn Đảo.
1. "Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862-1975)" (tái bản lần thứ hai) cho biết: Giai đoạn 1935-1936, hàng tháng, ở khám 3 Banh II có tạp chí Ý Kiến Chung làm bằng giấy tập (13x19cm); hàng tuần, bên khám 5 có tờ báo Người Tù Đỏ làm bằng giấy khổ 9x13cm (đến giữa năm 1935, Người Tù Đỏ được chuyển về Banh I, đổi tên là Tiến Lên). Và, Tiến Lên đã tường thuật chi tiết, đồng thời tổng kết kinh nghiệm đấu tranh (thắng lợi) của cuộc tuyệt thực 9 ngày (tháng 5-1935) ở khám 8 và 9 Banh I để hưởng ứng cuộc đấu tranh của khám 6 và 7 đòi xóa bỏ cấm cố; đòi gỡ bỏ các tấm tôn che cửa sổ (làm cho khám giam bị tối thêm); đòi cải thiện đời sống; không được đánh đập, ngược đãi tù nhân... Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chi bộ nhà tù Côn Đảo cũng xuất bản tờ Độc Lập để tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh (trên giấy tập học trò khổ nhỏ, 20 bản).
Giai đoạn 1946-1950, Liên đoàn tù nhân được thành lập, và tạp chí Côn Đảo Mới là "tiếng nói" của Liên đoàn. Ngoài ra, còn các tờ: Đời Sống Mới của Ban Tuyên huấn; báo Văn Nghệ là tiếng nói của Hội Văn nghệ tù nhân. Riêng, các khám đều có tờ báo tường, cụ thể: Bạn Tù của khám tử hình; Đoàn Kết của Sở Rẫy An Hải; Tiến Lên của kíp Lò Vôi; Xây Dựng của kíp thợ hồ; Thắng Lợi của Sở Củi; Tiền Phong của Sở Chỉ Tồn; Lao Động và tập san Công Nhân của Sở Bản Chế (là xưởng tiểu thủ công chế tác dụng cụ lao động giản đơn, khai thác tay nghề của tù nhân để làm các nghề mây; cẩn ốc, đồi mồi; mộc; cơ khí....).

Hình ảnh về những tờ báo của Trại VI khu B được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo.
Theo Tiến sĩ Anh hùng lao động Bùi Văn Toản (một trong số thành viên "Ban biên tập" tờ Sinh Hoạt), thời chống Mỹ, từ cuối năm 1972 và cả năm 1973, báo chí cách mạng trong nhà tù Côn Đảo phát triển mạnh mẽ, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Tổng số đã có 10 đầu báo, với hơn 50 số được "ấn hành", gồm: tờ Xây Dựng (của Trại VI khu B); tờ Vươn Lên (của Đoàn Thanh niên Nguyễn Văn Trỗi) tách ra từ trang Thanh niên hay Sinh hoạt trẻ trong tờ Xây Dựng từ số thứ 5; và 8 tờ báo của 8/10 phòng giam của trại, bao gồm: Sinh Hoạt (số đầu tiên ra ngày 20-11-1972); Rèn Luyện; Đoàn Kết; Niềm Tin; Tiến Lên; Văn Nghệ; Quyết Tâm; Phấn Đấu.
Báo chí của tù nhân Trại VI khu B Côn Đảo được hình thành sau cuộc đấu tranh tuyệt thực 19 ngày của hơn 760 tù chính trị ở trại này (từ 12-9 đến 30-9-1972). Nguyên là, sau khi tù nhân toàn trại phản đối việc địch bỏ lơ, không cấp cứu dẫn đến cái chết của một tù nhân vào sáng ngày 12-9, địch đóng cửa sắt, không cho mang cơm và thức ăn vào phòng, buộc người tù đưa tay ra ngoài xúc từng chén cơm chuyền vào phòng giam. Kết quả, cuộc đấu tranh của tù nhân giành thắng lợi. "Kể từ đây, có thể xem trại tù 6B là một "lõm giải phóng" ngay trong lòng ngục tù Côn Đảo. Mọi sinh hoạt trong trại giam do tù nhân tự điều hành. Việc tiếp xúc đều thông qua Tổng đại diện của Trại. Trật tự chỉ vào Trại giam trong lúc đóng cửa, mở cửa và những giờ tất cả tù nhân đã ở trong phòng giam" (trích trang 16, "Báo chí của tù nhân Trại 6 khu B Côn Đảo", tập 1 - do Bùi Văn Toản sưu tầm và giới thiệu).
Tờ Sinh Hoạt đầu tiên có: Mục lục, Lời nói đầu, thơ, nhạc, truyện, bút ký, mục tìm hiểu, trang sưu tầm, thư tòa soạn, v.v... Về thơ, có cả thơ bằng chữ Hán; thơ đăng lại của các nhà thơ còn sống (như Tố Hữu) hoặc đã chết (như Trần Phú). Tờ báo cũng đóng khung trịnh trọng những vần thơ "Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần cần phải cao" (Hồ Chí Minh).
Tờ Sinh Hoạt số đặc biệt Xuân Quí Sửu 1973 vừa mừng Xuân, mừng Đảng, vừa kỷ niệm việc ký kết Hiệp Định Paris giành thắng lợi. Do đó, bài đầu tiên, chính là xã luận "Nhiệt liệt chào mừng xuân hòa bình thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta" (của SH). Ngay dưới bài xã luận là "Đối Tết": "Chim Hòa Bình tung cánh, núi lặng sông yên dập lửa hận thù, xây tình hòa hiệp người người phấn khởi đón hai xuân./ Trâu lao động, mở đường đồng xanh phố đẹp,tàn cơn đói lạnh, rạng ánh tự do, chốn chốn tưng bừng mừng ba lễ" (của HT). Rồi kế tiếp là những bài văn, thơ..., có cả phóng sự "Cuối năm" thật sinh động, đầy cảm xúc, mà cũng thật dí dỏm, vui tươi về việc "đi thăm" RẪY và ANH NUÔI để tìm hiểu khẩu phần ăn ngày Tết... (của Lè Phè)...
Theo "Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) từ thực tiễn nhìn lại", tập san Xây Dựng số 1 (tháng 3-1973) đặc biệt giới thiệu thắng lợi của Hiệp định Paris; số 2 (ngày 15-4) có chuyên mục kỷ niệm sinh nhật Bác; số 3 (ngày 2-6) số 4 (ngày 1-7) kỷ niệm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam...; số 5 ra ngày 30-7; cho đến cuối năm 1973 đã ra được 10 số thường kỳ và 2 số đặc biệt. Xây Dựng có nội dung phong phú với nhiều thể loại: Xã luận, bình luận, thời sự, truyện ký, thơ ca, tiểu phẩm, phiếm luận, bút ký, hồi ký, v.v... mang tính chất thông tin, định hướng tư tưởng, giáo dục chính trị, sinh hoạt văn hóa, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh.
Ban biên tập kiêm luôn nhiệm vụ in ấn xuất bản bằng cách chép tay trên giấy vở học trò, đóng tập cắt xén cạnh (13x19cm) bằng dao cưa ống thuốc mài sắc. Lúc đầu, Xây Dựng chỉ phát hành 2 số, phải chuyền tay, luân phiên trong 10 phòng cho 883 người đọc. Hết một vòng, anh em yêu cầu xem lại, lại luân chuyển lần nữa. Khi báo tăng lên được 4-5 bản, khâu phát hành đỡ vất vả hơn. Công đoạn cuối cùng sau khi phục vụ hết vòng nhu cầu người đọc, các số báo được gom lại, bọc một lớp ny-lông, cho vào chai thủy tinh, phân công người chôn cất, không để lọt vào tay địch.
Cái khó của việc làm báo chốn lao tù Côn Đảo là: tìm đâu ra giấy, mực, viết và màu? Thời chống Pháp, những người mà ta "tranh thủ" được, có thể mua giùm viết, tập, còn màu thì sử dụng bột nghệ (do gia đình gởi thăm nuôi dùng trị bệnh), thuốc đỏ... Thời chống Mỹ, bệnh xá của Trại VI khu B thỉnh thoảng có tập vở, bút bi, cộng với nhờ trật tự (do ta tranh thủ) mua giúp... Dù vậy, chỉ đủ giấy để viết bản chính thức, còn bản thảo phải tận dụng: bao thuốc lá, thùng carton, giấy gói bưu kiện... mà phải ngâm nước, tách mỏng, đến khi nào không tách được mới thôi. Riêng mực, có 2 người có công sáng chế mực, rút vào ống tiêm rồi bơm vào ruột bút bi (đã hết mực) để dùng lại viết nhiều lần.
Nói chung, gần 100 tù nhân Trại VI khu B đã tham gia làm báo dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ (phòng), của Đảng ủy (trại). Việc làm báo rất bài bản, chuyên nghiệp, với nội dung chất lượng; hình thức bằng chép tay với nét chữ đẹp, canh lề "thẳng thớm" không thua bản đánh vi tính thời nay. Điều thú vị hơn cả là Xây Dựng còn có đăng "Cổ nhạc Nam phần". Có Hộp thư - nêu rõ bài của tác giả nào không được đăng, hoặc sẽ đăng số tới, hoặc cần trao đổi thêm trước khi đăng. Kể cả mục "báo cáo thu chi" ai đóng góp bao nhiêu; mua cái gì; và nói rõ: các khoản đóng góp ủng hộ chỉ dùng cho mua giấy bút, không sử dụng vào chi phí thuốc rê, kẹo... khi làm báo.
Bài, ảnh: NHƯ BĂNG
Bài cuối: NGƯỜI CỰU TÙ CÔN ĐẢO...