22/11/2023 - 09:03

Vang mãi Chiến thắng Bạch Ðằng Giang 

Cách đây 1.085 năm, những ngày tháng 10 năm Mậu Tuất (938), Đức Vương Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

3 vị anh hùng từng làm nên chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Ðằng, từ trái qua: Vua Lê Ðại Hành, Ðức Vương Ngô Quyền và Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng đặt hướng ra sông Bạch Ðằng, trong khuôn viên Khu Di tích Bạch Bằng Giang ở TP Hải Phòng.

Năm 937, Tiết Đô Sứ Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu, giết và đoạt chức. Đức Vương Ngô Quyền khi ấy là bộ tướng cũng là con rể của Dương Đình Nghệ, tiến quân ra Bắc diệt trừ kẻ phản bội. Kiều Công Tiễn hay tin cầu viện quân Nam Hán.

Vua Nam Hán nhân cơ hội này, mưu đồ đánh chiếm nước ta, cử quân sang với danh nghĩa giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền. Nhưng khi quân Nam Hán chưa kịp sang thì Đức Vương Ngô Quyền đã tiêu trừ Kiều Công Tiễn ở Đại La Thành.

"Nội xâm" đã xong, Đức Vương Ngô Quyền cùng nhân dân đêm ngày chuẩn bị, đánh giặc ngoại xâm. Quân của ông được sự ủng hộ của nhân dân, trở thành đạo binh hùng mạnh. Trong khi, quân của Nam Hán đã mất vía vì "nội ứng" Kiều Công Tiễn không còn, cầm đầu là hoàng tử Hoằng Tháo còn nhỏ, không có tài quân sự.

Nhận thấy địa thế cửa ngõ của sông Bạch Đằng, Đức Vương Ngô Quyền huy động nhân dân, quân lính đốn gỗ làm cọc, tạo thành bãi cọc để làm chướng ngại vật ở hai bên cửa sông. Khi thủy triều lên, cả bãi cọc ngập chìm dưới nước nhưng khi nước rút thì bãi cọc sẽ nhô lên. Lợi dụng quy luật thiên nhiên, vào một ngày sang đông năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đã cho quân Nam Hán vào được mà ra không được. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Khi nước thủy triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy liều chết chiến đấu". Nhờ đó, quân xâm lược bị tiêu diệt, chết đuối quá nửa, Hoằng Tháo cũng bỏ mạng, số còn lại tan tác như rắn không đầu. "Đại Việt sử ký toàn thư" thuật: "Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui".

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập. Nhà sử học Ngô Thì Sỹ (thế kỷ XVIII) đã nhận định: "Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại Quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy lẫm liệt để lại ấy".

Với Chiến thắng Bạch Đằng 938, Đức Vương Ngô Quyền ghi danh vào trang sử hào hùng của dân tộc không chỉ là vị tướng tài năng, mà còn là người đầu tiên "mở nước xưng Vương", đặt nền móng cho độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc. Mùa xuân năm 939, ông xưng Vương, khẳng định nước ta là một vương quốc độc lập. Bộ máy nhà nước quân chủ độc lập đầu tiên của nước ta chính thức được hình thành.

Ngày nay, nhiều địa phương có sông Bạch Đằng chảy qua như Quảng Ninh, Hải Phòng... vẫn còn lưu dấu nhiều di tích của những chiến thắng vang dội năm xưa, trong đó có Chiến thắng Bạch Đằng 938.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết