|
Đã vào đợt thả nuôi chính vụ hơn 1 tháng, nhưng nhiều vuông tôm ở ĐBSCL vẫn còn trơ đáy.
Ảnh: XUÂN TRƯỜNG |
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vụ nuôi tôm sú chính vụ đã khởi động gần một tháng nay. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các ngành chức năng, hiện nay, tiến độ thả giống rất chậm so với kế hoạch, nhiều nông dân bỏ ao tôm, nhiều diện tích nuôi tôm đã chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác... Thực trạng này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong năm 2009.
Người nuôi đang khát vốn
Vụ tôm 2009 đã qua được gần một tháng, tại Sóc Trăng, diện tích ao nuôi được cải tạo chỉ mới khoảng 60-70%, trong số này mới có gần 3.000 ha được thả giống. Trong khi cùng thời điểm này năm 2008, diện tích thả giống đã đạt gần 50% (khoảng 20.000 ha). Người nuôi tôm đang thiếu vốn, đó là nhận định chung của ngành chức năng về vụ nuôi tôm sú chính vụ năm 2009. Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, lý giải: “Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ thả tôm giống, nhưng chủ yếu là do người dân thiếu vốn đầu tư. Mặt khác, giá tôm nguyên liệu xuống thấp cũng làm cho người nuôi phân vân”. Cụ thể hơn, ông Lương Minh Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Mọi năm thời điểm này người nuôi tôm đã thả giống đạt trên 20% diện tích, nhưng năm nay diện tích thả giống mới chỉ khoảng 2%. Thiếu vốn nhưng hầu hết các hộ nuôi tôm trong huyện không thể vay ngân hàng được vì còn nợ từ những năm trước. Ở đây, nhiều hộ còn nợ ngân hàng gần 50 triệu đồng. Người dân không thể tự lực, còn các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào ngán ngại đầu tư do giá tôm nguyên liệu năm rồi xuống quá thấp”.
Tại vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên, vào thời điểm này vẫn còn khá nhiều vuông tôm chưa được cải tạo, chủ vuông thì đang đi làm thuê ở tận TP Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 Huỳnh Thị Mai Luận băn khoăn: “Tình hình năm nay hiu hắt quá! Tới giờ này toàn xã mới thả giống được 112ha, trong khi năm rồi đã thả xong hết diện tích 2.000 ha. Ngoài chuyện thiếu vốn, giá con giống tăng cao, giá tôm thương phẩm thấp, độ mặn đến giờ này cũng chỉ mới 1-2. Khả năng sản lượng tôm năm nay sẽ không cao do thả thưa và mức đầu tư chăm sóc bị giảm mạnh”. Còn theo thống kê của xã Hòa Tú I, từ đầu vụ đến nay, toàn xã chỉ mới có khoảng 30% diện tích nuôi tôm cải tạo xong, diện tích còn lại người dân vẫn đang chờ vốn vay.
Tại Kiên Giang, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, có khoảng 1.500 ha đất nuôi tôm công nghiệp nhưng đến thời điểm này số vuông “treo” chiếm khoảng 2/3. Ngay cả “đại gia” chuyên nuôi tôm công nghiệp cũng “treo” hoàn toàn hoặc nuôi cầm chừng 1/3 đến 1/2 diện tích... Tại Bạc Liêu, đến nay diện tích thả nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp khoảng 1.600/11.000 ha. Còn khoảng trên 20.000 ha đã được bà con cải tạo nhưng chưa thả tôm nuôi. Trong đó, có hơn 300 ha bỏ trống, chủ yếu ở thị xã Bạc Liêu. Nguyên nhân chính do người nuôi tôm đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn tái đầu tư sản xuất, thời tiết thất thường, thị trường tôm nguyên liệu bấp bênh đã làm người nuôi tôm thận trọng hơn trong việc đầu tư.
Cua, muối lấn vuông tôm
Cua biển “bò” lên ruộng tôm-lúa là một thực tế tại vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Giá tôm bấp bênh từ những vụ trước nên khi thu hoạch xong lúa đông xuân sớm, nhiều người thả cua biển vào ruộng thay cho con tôm sú. “Năm nay, thời tiết phức tạp, thả tôm dễ bị “gãy”. Mấy năm trước, tôi bị “gãy” vụ tôm trong vòng 1 tháng thả nuôi, “đứt” gần 20 triệu đồng. Thấy nhiều nơi thả nuôi cua biển, tôi tới học hỏi kinh nghiệm và nuôi thử. Vốn đầu tư nuôi cua không cao nên có “gãy” cũng đỡ hơn nuôi tôm...”, ông Phạm Văn Thanh ở xã Nam Thái A, huyện An Biên, Kiên Giang, cho biết. Từ 1,5 ha đất tôm-lúa, ông Thanh thả 2.000 con cua biển giống. Dù mới nuôi lần đầu nhưng cua trong ruộng lúa-tôm lại thích nghi và phát triển tốt. Với giá bán cua thương phẩm 160.000-200.000 đồng/kg, ông Thanh nhẩm tính có thể lãi nhiều hơn nuôi tôm khoảng 20 triệu đồng.
Tại xã Nam Thái A, đã có hộ thu hoạch lứa cua đầu tiên cho thu nhập tăng thêm so với vụ tôm trên cùng một diện tích từ 10-20 triệu đồng. Có hộ thu nhập tăng thêm lên đến 50 triệu đồng. Nhiều nông dân bỏ tôm nuôi cua cho rằng, đất tôm-lúa ở vùng U Minh Thượng đang bị hoang hóa, lại bị nhiễm phèn nên khó nuôi tôm sú. Trong khi đó, con cua có sức sống tốt hơn trong điều kiện phèn và mặn. Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường biến động nhiều, con cua thích nghi nhanh hơn con tôm, trong khi chi phí đầu tư thấp nhưng hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều người dân sẵn sàng cho cua “bò” lên ruộng tôm-lúa trong vụ này...
Tại Bạc Liêu, có hơn 200 ha nuôi tôm được nông dân chuyển sang làm muối tập trung ở huyện Hòa Bình và trên 4.000 ha nuôi xen canh tôm-cua ở huyện Hồng Dân hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người dân đang thấp thỏm lo âu không biết có nên tiếp tục mở rộng diện tích chuyển đổi này do không biết giá cả thế nào trong thời gian tới...
Loay hoay gỡ khó khăn đồng vốn
So với hơn một tuần trước, giá tôm nguyên liệu ngày 20-3-2009 tiếp tục tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg. Cụ thể, theo Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau, tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg giá 143.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 95.000 đồng/kg. Riêng tôm sú sống thổi ô-xy loại 30 con/kg giá 125.000-130.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 110.000-115.000 đồng/kg. Giá khá cao, nhưng tại ĐBSCL nông dân không còn nhiều tôm nguyên liệu để bán và nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu. Mối lo ngại nhất chính là tình trạng thiếu tôm nguyên liệu cho chế biến sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2009. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, câu chuyện căn cơ nhất hiện nay là thiếu vốn cho sản xuất và ngành chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề này.
Ông Lương Minh Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, trăn trở: “Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng coi như không thể, còn nguồn vốn vay bên ngoài lãi suất cao người nuôi chưa dám vay do giá tôm quá thấp. Các nhà kinh doanh dịch vụ con giống, thức ăn... cũng không còn mặn mà đầu tư cho con tôm vì rủi ro cao. Do vậy, muốn giữ vững vùng tôm-lúa cần phải có chính sách đầu tư vốn cho vùng này. Hiện nay, chỉ tính riêng việc đầu tư nâng cấp ao vuông cho 10.000 ha cũng vào khoảng 20 tỉ đồng, còn nếu tính chung suất đầu tư cho 18.000 ha nuôi tôm của huyện thì tổng vốn đầu tư khoảng 40-50 tỉ đồng. Trong khi chờ đợi nguồn vốn, chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi thả tôm giống mật độ thưa, sử dụng thức ăn tự chế để giảm chi phí vụ nuôi”.
Trong khi ngân hàng không thể cho người nuôi tôm vay thêm vì nợ tồn đọng cao, thì những nhà đồng hành cùng người nuôi tôm trước đây như: doanh nghiệp chế biến và các nhà kinh doanh dịch vụ cũng không còn mặn mà do nhìn viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường tôm sú nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng: “Do đầu tư cho hộ nuôi quá rủi ro khó thu hồi vốn, nên hiện nay theo tôi được biết chỉ còn Công ty Stapimex dám bỏ ra khoảng 80-100 tỉ đồng để đầu tư nhằm đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Như vậy, bài toán về vốn cho vụ nuôi tôm sú 2009 xem ra vẫn chưa tìm được lời giải, nên đã có nhiều dự đoán diện tích, sản lượng tôm nuôi năm nay sẽ giảm mạnh so với năm 2008”.
Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước giúp người dân tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất. Ngành nông nghiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh, ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn sản xuất của bà con, song song với việc tìm đầu ra ổn định cho người nuôi tôm. Nếu những khó khăn của người nuôi tôm không được giải quyết, năm 2009, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến tại các nhà máy sẽ bị thiếu hụt, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội...
Nhóm PV-CTV
Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ về kích cầu sản xuất như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế...; rà soát các chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi và bổ sung các chính sách mới kịp thời, phù hợp với tình hình hiện nay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi cho người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, tôm nước lợ.
Triển khai quyết liệt các biện pháp giảm giá thành sản phẩm, trong đó trọng tâm là thức ăn và giống.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Điểm mấu chốt trong mối quan hệ này là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi phải bắt tay nhau để cùng chia sẻ lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro. Khắc phục cơ bản tình trạng: sản xuất không theo qui hoạch, người nuôi không rõ bán cho ai vẫn cứ nuôi; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không cần quan tâm tổ chức sản xuất nguyên liệu, không liên kết và không có trách nhiệm với người nuôi. Các địa phương, Hội Nghề cá và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trên cơ sở qui hoạch được duyệt cần phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ và giám sát sự kết nối giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và người nuôi; đặc biệt là đối với hộ nuôi nhỏ...
Trích Thông báo Số 1191/TB-BNN-VP của Bộ NN&PTNT về việc Thông báo kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị bàn “Biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL năm 2009” |