14/03/2012 - 20:37

XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

Vẫn là bài toán khó

Hiện nay, có khoảng 90% công nhân làm việc tại các KCN, KCX, KKT vùng trọng điểm phía Nam phải thuê nhà trọ sinh sống. 

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách giải quyết nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân nói riêng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Tại hội nghị giao ban Ban quản lý (BQL) Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lần thứ XV tại TP Cần Thơ một lần nữa cho thấy: Bên cạnh việc bố trí đất sạch, cần có những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà ở cho công nhân mới mong giải được bài toán khó này!

* “Cung” chưa gặp “cầu”

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay vấn đề nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề ngành chức năng, nhất là đối với BQL Các KCX, KCN luôn trăn trở. Bởi tình trạng thiếu nhà ở, hàng ngàn công nhân phải thuê nhà trọ bên ngoài với giá cao, môi trường sinh hoạt thiếu thốn... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, chưa kể đây còn tiềm ẩn những nguy cơ về các tệ nạn xã hội khác.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó 70% là người ngoài tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện Nhà nước và các doanh nghiệp (DN) chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu về chỗ ở, còn lại khoảng 90% số lao động hiện phải thuê nhà trọ để sinh sống.

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng BQL Các KCX và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 15 KCX, KCN đang hoạt động và 9 KCN đang triển khai với trên 1.200 dự án đầu tư hoạt động và hơn 260.000 lao động đang làm việc tại các KCX, KCN. Trong đó, lao động ngoài TPHCM chiếm hơn 70%. Dù thời gian qua TPHCM đã có chương trình xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng các khu lưu trú tập trung hiện nay cũng chỉ đáp ứng khoảng 3% nhu cầu. Nếu tính đến năm 2015, dự kiến 9 KCN mới đi vào hoạt động thì số lượng công nhân trong các KCN, KCX sẽ tăng khoảng 500.000 công nhân. Khi đó nhu cầu nhà ở của người lao động sẽ rất lớn, nếu không sớm giải quyết thực trạng này thì nhiều khả năng TPHCM sẽ khủng hoảng về nhà ở cho công nhân trong thời gian tới.

Tại TP Cần Thơ, tình hình nhà ở công nhân cũng không kém phần bức xúc. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban BQL Các KCX và CN Cần Thơ, nói: “TP Cần Thơ hiện có 6 KCN đang hoạt động và 2 KCN đang quy hoạch với diện tích trên 1.922ha, có trên 34.000 lao động đang làm việc tại các KCN. Vì tính bức xúc công nhân không có nhà ở nên các DN tự làm một số khu nhà tạm cho công nhân như: Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Nguyên, Công ty Thủy sản Miền Nam. Cho đến thời điểm này Cần Thơ vẫn chưa có một dự án nào về nhà ở công nhân được làm một cách bài bản. Hiện tại, hạ tầng đã có nhưng do chưa có vốn để thực hiện”.

Ông Phạm Tiết Khoa, Phó Trưởng ban BQL KKT Trà Vinh, cho rằng: “Không riêng gì Trà Vinh mà hầu hết các KCN, KCX ở khắp các tỉnh trên cả nước như: KCN, KCX Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai... đều thiếu nhà ở cho công nhân. Dù thời gian qua Trung ương và các tỉnh đều có cơ chế chính sách xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu người lao động và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình, năm 2011 tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 265 tỉ đồng cho dự án xây dựng nhà ở cho 2.400 công nhân thu nhập thấp đang làm việc tại KCN Long Đức (Trà Vinh), dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng dự án này sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở đang bức xúc tại KCN của tỉnh Trà Vinh. Song, thực tế cho thấy, đa phần các KCN, KCX trên cả nước chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ so với nhu cầu nhà ở của công nhân, cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục”.

* Cần có giải pháp căn cơ

Theo ý kiến của đại biểu đại diện các KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Hội nghị, tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân đến mức báo động như hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính là: Nhà nước chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban BQL Các KCX và CN Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian tới, không riêng các KCN, KCX, KKT mà các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức đối với các dự án này. Phải nhận thức rằng, dự án nhà ở cho công nhân các KCN, KCX cần được đưa vào danh sách các dự án ưu tiên đầu tư, bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước làm đối ứng trong kêu gọi đầu tư. BQL các KCX và CN Cần Thơ đã có chỉ đạo cho các đơn vị hạ tầng lập dự án xây dựng nhà ở công nhân để xin chủ trương của thành phố tìm nguồn vốn ưu đãi tiếp tục triển khai các dự án này”.

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý Các KCX và CN TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia... có rất nhiều dự án nhà ở xã hội với giá rất hợp lý nhưng mình vẫn chưa làm được. Muốn đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 50% công nhân tại các KCN được thuê nhà, mua nhà tại các dự án thì cần phải có sự nỗ lực của toàn xã hội. “Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở công nhân. Chính phủ cần áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, KCX như: áp dụng mức thuế giá tri gia tăng 0%; miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm; kéo dài thời gian cho vay ưu đãi lãi suất tối đa 15 năm cho các dự án này. Ngoài ra, các ngân hàng cần có cơ chế cho vay đặc biệt tập trung kêu gọi đầu tư vào dự án nhà ở công nhân vốn dĩ rất khó khăn trong việc chứng minh tính khả thi của dự án. Có như vậy, mới mong giải quyết tình trạng “cung” thiếu “cầu” trong thời gian tới” - ông Vũ Văn Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình phát triển các KCN, KKT còn nhiều bất cập, trong đó vấn đề nhà ở cho công nhân đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Theo Chỉ thị số 07/CT-TTg “Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, cụm công nghiệp” (ngày 2-3-2012), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc bố trí quỹ đất, quy hoạch, xây dựng các công trình tái định cư, nhà ở cho người lao động phù hợp với tiến độ hoạt động của KKT, KCN. Vấn đề còn lại là các tỉnh, thành xem xét tình hình của địa phương mình để có kế hoạch thực hiện các giải pháp của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng cũng như kêu gọi đầu tư sao cho hiệu quả trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THU HOÀI

Hiện nay, có khoảng 90% công nhân làm việc tại các KCN, KCX, KKT vùng trọng điểm phía Nam phải thuê nhà trọ sinh sống. 

Chia sẻ bài viết