Cao Kiều Thúy Linh
Văn hóa chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố Cần Thơ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 10- 3- 2016. Di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng biểu hiện qua các loại hình tập quán xã hội- tín ngưỡng và tri thức dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu.
Tập quán xã hội- tín ngưỡng và tri thức dân gian ở chợ nổi Cái Răng
Về tập quán cư trú, sinh hoạt, Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Để thích ứng với môi trường sông nước, người dân cư trú trong các ngôi nhà xây dựng trên nền đất cao ráo hoặc những ngôi nhà sàn ven sông, rạch. Bên cạnh đó, người dân còn cư trú trên các mảng bè hoặc ghe thuyền
thường tập trung nhiều ở các ngã ba, ngã tư sông
Những người di chuyển trên sông cũng thường neo đậu ở những ngã ba, ngã tư, những nơi giáp nước, nghỉ ngơi chờ con nước hoặc chờ trời sáng để tiếp tục lên đường. Do vậy, những nơi này dần trở thành nơi tập trung nhiều người sinh sống, nhiều ghe xuồng neo đậu. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chợ trên sông cũng dần dần hình thành. Chợ nổi có thể đã ra đời từ đó.
Cũng như các chợ truyền thống khác, chợ nổi Cái Răng ra đời từ nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của người dân tại địa phương và các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, ở chợ nổi đa phần là buôn bán sỉ các loại hàng nông sản: trái cây, rau, củ của miệt vườn Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Đây cũng có thể xem là chợ đầu mối trong việc tiêu thụ hàng nông sản của người dân địa phương.
Phương thức trao đổi mua bán trên chợ nổi là kế thừa và phát triển của phương thức trao đổi mua bán ở chợ truyền thống: cân, đo, đong, đếm đối với hàng hóa. Ngoài ra còn có hình thức bán mão (bán hết một mớ hay ghe hàng, không cần cân hay đếm). Bẹo hàng là một hình thức biểu hiện trong văn hóa kinh doanh. Trên những chiếc ghe lớn người ta dùng những cây bẹo để giới thiệu hàng hóa cần bán. Treo loại gì thì bán loại đó. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ như bẹo lá thì bán ghe. Đây cũng được xem là những tập quán hay nét văn hóa hình thành trong cộng đồng, mang đậm phong cách của người dân Nam bộ.
Trong không gian văn hóa ở chợ nổi Cái Răng, phương tiện vận chuyển, sinh hoạt mua bán và ở của người dân cũng khá phong phú, đa dạng, gồm các loại ghe, xuồng với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau. Ghe có nhiều loại như tam bản mui ngắn, ghe tam bản mui dài, ghe bầu, ghe chài, vỏ lãi... với tải trọng từ vài trăm ký đến 30 tấn, phổ biến là các loại ghe có tải trọng từ 4 đến 15 tấn. Ngày nay còn có nhiều chiếc tàu chở khách du lịch trên sông nước. Những chiếc ghe lớn thì neo đậu cố định, những chiếc ghe nhỏ thì chèo len lỏi cạnh những chiếc ghe lớn. Ngoài ra còn có các bè neo đậu cố định là nơi sinh sống và buôn bán của người dân tại địa phương.
Ghe, bè là phương tiện nhưng cũng là ngôi nhà cư trú của người dân. Trên những chiếc ghe có đủ không gian cho một gia đình nhỏ sinh hoạt, thường là đoạn gần cuối ghe. Tại chợ nổi Cái Răng còn có những chiếc bè của một số gia đình neo đậu buôn bán sinh hoạt từ hai đến ba thế hệ. Những chiếc bè này không khác gì một căn nhà trên bờ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Đối tượng tham gia các hoạt động chính trên chợ nổi là người mua và người bán. Đây cũng chính là những chủ thể văn hóa. Tuy nhiên việc xác định này không có giới hạn rạch ròi, bởi đây là yếu tố luôn luôn động.
|
Cây bẹo, các hoạt động “thảy, chụp” là nét văn hóa đặc trưng của các tiểu thương trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI |
|
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI |
Những người buôn bán trên ghe xuồng ở chợ nổi Cái Răng thờ cúng một số tục lệ theo tập quán lưu truyền từ ngàn xưa. Chủ yếu tập trung một số hình thức tín ngưỡng sau: Tín ngưỡng thờ cúng Bà- Cậu ở mũi ghe; Tín ngưỡng thờ cúng Thần tài- ông Địa; Tín ngưỡng thờ Quan Âm Nam Hải
Người đi buôn trên sông nước còn có một số tục lệ và kiêng kỵ khác liên quan đến hoạt động của cư dân trên chợ nổi Cái Răng như: cúng xuất hành đầu năm, cúng khi đóng ghe mới, sửa chữa ghe,
Ngoài ra, người đi buôn còn tin vào những điềm báo, các tập tục kiêng kỵ. Đây là những nét văn hóa tâm linh được lưu truyền từ nhiều đời, tạo nên sắc thái văn hóa sông nước Cần Thơ.
Sau một ngày buôn bán, tối đến những người đi trên ghe tụ họp lại, lai rai vài ly rượu, cùng vui hát đờn ca tài tử, hò đối đáp
; người già thì chơi cờ, uống trà; chị em phụ nữ hát ru con, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho vùng sông nước miền Tây nói chung, Cần Thơ nói riêng.
Về tri thức dân gian, mặc dù không biểu hiện rõ ràng nhưng vẫn có thể nhận biết đó là vốn kinh nghiệm sống được tích lũy từ bao đời của cha ông trong quá trình khẩn hoang mở đất. Việc chọn địa bàn cư trú và neo đậu ghe xuồng ở ven sông rạch, vàm sông, ngã ba, ngã tư sông, nơi giáp nước để thuận lợi trong việc di chuyển bằng đường thủy, buôn bán trao đổi hàng hóa và sinh hoạt của người dân.
Từ việc thích nghi với đời sống trên sông nước, con người chọn lựa phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa là các loại ghe xuồng là chủ yếu. Những người điều khiển phương tiện phải tích lũy những kinh nghiệm chèo ghe, bơi xuồng, biết quy luật của tự nhiên, của từng đoạn đường để chọn lựa thời gian khởi hành, xuất bến, neo đậu kinh doanh và di chuyển cho kịp con nước để hạn chế hao sức và rút ngắn thời gian. Họ biết khúc sông nông hay cạn, dòng nước có chảy xiết hay dòng nước xoáy để tránh...
Giá trị di sản của Văn hóa chợ nổi Cái Răng
Nghiên cứu tập quán sinh hoạt trên chợ nổi Cái Răng thấy được lịch sử định canh định cư của cư dân từ buổi đầu khẩn hoang lập ấp, lập chợ đến quá trình thích nghi sinh sống, buôn bán kinh doanh trên sông nước. Đồng thời cũng sẽ tìm hiểu được sự phát triển của các phương tiện giao thông từ các loại xuồng ghe, máy móc phục vụ vận tải trên sông; sự phát triển của mạng lưới giao thương, tiến trình phát triển kinh tế thương mại trên chợ nổi Cái Răng
Tập quán sinh hoạt và những tín ngưỡng dân gian ra đời và tồn tại trong không gian văn hóa ở chợ nổi Cái Răng là những di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây. Trong những tập quán buôn bán, sinh hoạt còn ẩn chứa những tri thức dân gian gắn liền với thiên nhiên; kinh nghiệm đoán biết và thích ứng với con nước lớn, nước ròng để từ đó hình thành nên thói quen sinh hoạt và đặc biệt là thói quen buôn bán hàng hóa, nhu cầu và cách sử dụng phương tiện vận chuyển, đi lại của người dân trên chợ nổi.
Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng với các tập quán xã hội, tri thức dân gian, tín ngưỡng bản địa
của người dân sinh sống và sinh hoạt trong không gian chợ nổi sẽ là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu về sự thích ứng tự nhiên của người dân với hoàn cảnh thiên nhiên, địa lý, thổ nhưỡng, và xã hội, cũng như cách thức ứng xử hài hòa và sự hòa hợp của người dân với môi trường tự nhiên- sinh thái nơi đây.
|
Du khách quốc tế thích thú với các quán ăn trên sông của
chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI |
Đây cũng là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu về những sáng tạo văn hóa của những tiểu thương vùng sông nước và những kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa nhiều cộng đồng người tập trung về mưu sinh trong không gian chợ nổi.
Bên cạnh đó, văn hóa chợ nổi Cái Răng còn có giá trị kinh tế cao, do đây là điểm đến văn hóa- du lịch hấp dẫn, mang sắc thái địa phương, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nâng cao đời sống cộng đồng chủ thể di sản và góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và phát triển. Văn hóa ở chợ nổi Cái Răng tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể (tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, sinh hoạt văn hóa tinh thần) và những di sản này vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền. Nó chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương và đất nước.
-------------
(1) Trích hồ sơ di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Bảo tàng thành phố Cần Thơ thực hiện tháng 2 năm 2016.