14/09/2010 - 21:56

GIÁM SÁT TÌNH HÌNH PHÂN BỔ, SỬ DỤNG BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Vẫn còn tình trạng sử dụng biên chế chưa hợp lý

Sử dụng hiệu quả biên chế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ninh Kiều đang tác nghiệp. Ảnh: A.D

Cuối tháng 8 vừa qua, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã giám sát tình hình phân bổ, sử dụng biên chế trong các cơ quan nhà nước tại Sở Nội vụ thành phố. Kết quả giám sát cho thấy, nhu cầu bổ sung biên chế của thành phố nhiều, nhưng số lượng do Trung ương phân bổ còn hạn chế nên một số cơ quan thiếu biên chế thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, vẫn có nơi biên chế được phân bổ sử dụng chưa hết vẫn muốn xin thêm biên chế. Vì sao như vậy?

BIÊN CHẾ LUÔN... THIẾU

Theo nhận định của các đại biểu tại cuộc giám sát, từ khi được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ đến nay, TP Cần Thơ luôn trong tình trạng thiếu biên chế, nhất là biên chế hành chính. Do vậy, nhiều cơ quan, đơn vị có phần “hụt hẫng” trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, tốc độ phát triển KT-XH của thành phố rất nhanh, nhu cầu biên chế tăng hằng năm.

Sở Nội vụ thành phố cho biết, chỉ riêng năm 2010, nhu cầu tổng biên chế hành chính của thành phố là 2.144 biên chế, tăng 329 biên chế so với năm 2009. Tuy nhiên, đầu năm nay Bộ Nội vụ chỉ phân bổ cho thành phố 1.878 biên chế, thấp hơn nhu cầu của thành phố 266 biên chế. Dù phân bổ tăng thêm 63 biên chế, nhưng Bộ Nội vụ lại phân bổ theo địa chỉ cụ thể nên thành phố gặp khó trong việc chủ động phân bổ cho các cơ quan, đơn vị. Việc phân bổ biên chế tăng thêm của Bộ Nội vụ cũng chưa hợp lý. Có đơn vị mới vừa thành lập, bộ máy chưa ổn định, trang thiết bị làm việc hầu như chưa có thì lại được phân bổ số lượng lớn biên chế. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị đang bức xúc vì thiếu biên chế lại không được bố trí thêm. Trước những bức xúc của các cơ quan, đơn vị, UBND thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ giao bổ sung thêm 120 biên chế để bố trí cho 12 cơ quan, đơn vị, nhưng chỉ được phân bổ cho 6 cơ quan, đơn vị với tổng biên chế bổ sung thêm là 107 người... Do vậy, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu biên chế đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

Về biên chế sự nghiệp, UBND thành phố đã giao 19.794 biên chế sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp và UBND quận, huyện. Trong đó, cấp thành phố có 6.610 biên chế và cấp quận, huyện là 12.003 biên chế, còn lại 1.181 biên chế dự phòng. Tuy nhiên, do các đơn vị sự nghiệp đang thực hiện chế độ tự chủ về biên chế và tài chính nên số biên chế thực tế có được đến cuối tháng 7-2010 là 16.764 biên chế, thấp hơn số biên chế đã phân bổ là 1.967 biên chế.

Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Sở Nội vụ trong việc tham mưu cho HĐND, UBND thành phố đối với việc quyết định tổng biên chế, phân bổ biên chế ở các cơ quan, đơn vị. Trong tình hình thiếu biên chế, nhưng Sở đã chủ động tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền quyết định phân bổ biên chế phù hợp để các cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, cho biết thêm: “Năm 2010, nhìn chung các cơ quan, đơn vị sử dụng biên chế hiệu quả hơn các năm trước, nhất là các đơn vị sự nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đề nghị tăng biên chế đều theo các chức danh dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình”. Theo Sở Nội vụ, việc phân bổ biên chế của Trung ương mặc dù có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.

CẦN CƠ CHẾ PHÙ HỢP

Nhìn chung, nhu cầu về biên chế, nhất là biên chế hành chính ở các đơn vị đều thiếu, nhưng hiện nay có tình trạng một số cơ quan, đơn vị đề nghị được bổ sung thêm biên chế, nhưng chưa sử dụng hết biên chế được giao. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số đơn vị được chuyển đổi, cắt giảm chức năng nhiệm vụ, nhưng không giảm bớt biên chế. Còn ở các quận, huyện có phòng, ban hết biên chế nhưng cần cán bộ chuyên môn, trong khi có phòng, ban còn chỉ tiêu về biên chế nhưng không sử dụng hết, nhưng không điều chuyển mà vẫn tiếp tục xin thêm biên chế. Cụ thể như huyện Vĩnh Thạnh, biên chế được giao năm 2010 là 91 người, huyện đã tuyển dụng 67 người, còn 12 biên chế chưa sử dụng, nhưng huyện lại đề nghị bổ sung thêm 18 biên chế; huyện Cờ Đỏ có số biên chế được giao đầu năm là 76 người, huyện đã tuyển dụng, bố trí được 51 người, còn 25 biên chế chưa sử dụng, nhưng đề nghị bổ sung thêm 16 biên chế,... Nguyên nhân theo Đoàn giám sát phân tích là do UBND quận, huyện chưa mạnh dạn điều tiết biên chế giữa các phòng, ban trực thuộc dẫn đến lãng phí biên chế được phân bổ. Cũng có ý kiến cho rằng, các nơi sử dụng chưa hết biên chế là do có liên quan đến kinh phí của đơn vị. Bởi hiện nay, mỗi biên chế hành chính đều kèm theo mức khoán kinh phí nhất định. Cơ quan, đơn vị có nhiều chỉ tiêu biên chế, nhưng sử dụng không hết sẽ dôi dư kinh phí để “cải thiện thu nhập”. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế còn có nguyên nhân khách quan là đơn vị còn một số cán bộ đang thử việc, chưa vào biên chế; cũng có tình trạng một số lĩnh vực chưa tuyển được nhân sự (như tình trạng một số trường học thiếu giáo viên các môn nhạc, họa,...)... Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND thành phố không bố trí thêm biên chế cho các quận, huyện còn chỉ tiêu nhưng chưa sử dụng hết biên chế được giao và đề nghị các đơn vị này nhanh chóng tuyển cho đủ số biên chế được giao; điều tiết biên chế giữa các phòng, ban cho phù hợp hơn.

Bên cạnh việc tuyển dụng thêm cho đủ số lượng biên chế, nhiều đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến chất lượng biên chế. Bởi vì, biên chế có đủ năng lực, bố trí đúng chuyên môn, nghiệp vụ, sở trường sẽ thành thạo công việc hơn, hiệu quả và năng suất làm việc cao hơn, có thể tiết kiệm được biên chế. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, lưu ý: “Song song với việc bố trí cho đủ số lượng biên chế, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi tuyển dụng. Đối với các biên chế hiện có thì nghiên cứu đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đối với các biên chế tuyển dụng mới phải đảm bảo phù hợp với ngành nghề, chuyên môn có nhu cầu. Số lượng biên chế ít, nhưng có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng sẽ có hiệu quả hơn nhiều người mà bố trí không đúng ngành nghề, thiếu năng lực,...”. Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định này và cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ về biên chế và tài chính nên nếu sử dụng tiết kiệm biên chế, sẽ tăng thu nhập cho cán bộ, giúp họ cải thiện đời sống, nâng cao năng suất làm việc. Hiện nay, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền quyết định tuyển dụng nhân lực, do vậy nếu thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm hơn đến việc tuyển chọn “đầu vào”, thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, thành viên đoàn giám sát còn đề nghị thành phố cần có cơ chế phân bổ biên chế, khoán kinh phí hoạt động phù hợp hơn, để đảm bảo không lãng phí biên chế, ngân sách nhưng cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị tiết kiệm chính đáng biên chế, kinh phí để cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên...

THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết