22/07/2018 - 07:35

Văn chương góp nhặt từ những nỗi buồn 

Một người đàn ông chịu nhiều bất hạnh và dường như chẳng có mối quan hệ gì với văn chương lại là một nhà văn tạo nhiều dấu ấn. Ông là Nguyễn Trí, ngòi bút góp nhặt văn chương từ những nỗi buồn thế thái.

Nhà văn Nguyễn Trí. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Nhà văn Nguyễn Trí. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Mới đây, nhân dịp nhà văn Nguyễn Trí về Cần Thơ nói chuyện sáng tác văn chương với các nhà văn Tây Đô, một người bạn văn tặng tôi cuốn “Ngụy” của Nguyễn Trí với lời “quảng cáo”: “Đọc đi rồi thấy nó hay như thế nào”. Quả là hay thật!

Tuyển tập 16 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trí nói về những vấn nạn đang diễn ra hàng ngày như: chuyện dạy thêm học thêm, đời sống thiếu học thức ở tỉnh lẻ, những mánh khóe trộm vặt, kế hoạch báo thù của các đại ca giang hồ, tình cảnh những gia đình bị ma túy hủy hoại… Nguyễn Trí không cố tình giật gân, tạo sự tò mò với độc giả mà từ tốn kể, khiến người đọc như chạm được, nhìn được những nỗi đau ấy bằng tâm hồn đa cảm và sự duyên dáng của người cầm bút.

Tiếp xúc và nghe nhiều về cuộc đời nhà văn gốc Bình Định đang sống ở Đồng Nai mới vỡ lẽ, “Ngụy” cũng là một phần đời dài của ông. Ngoài “Ngụy”, Nguyễn Trí còn có các tác phẩm: “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” (2013); “Đồ tể” (2014); “Thiên đường ảo vọng” (2015)… Thật thú vị khi mà những tác phẩm với những nghề nghiệp ấy chính là con đường Nguyễn Trí đã kinh qua, trước khi đến với nghiệp văn như hiện nay.

Còn nhớ những năm 2010, hầu hết giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam chưa thuyết phục dư luận trong và ngoài văn đàn. Vậy mà năm 2013, giải thưởng được trao cho một người chưa phải là hội viên lại được vỗ tay nhiệt tình. Đó là Nguyễn Trí với “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”.

Văn chương của Nguyễn Trí có sự gai góc, khốn cùng và nhiều nỗi đau nhưng đằm sâu lại là khát khao hạnh phúc và thiện lương. Có người hỏi ông rằng, văn chương ông viết về đời thực liệu có khi nào “cạn vốn”. Ông cười, cái cười thấu hiểu trên đỉnh niềm đau, mà rằng: Chẳng sợ đâu vì cuộc sống vốn dĩ luân chuyển từng ngày, nỗi đau và hạnh phúc vẫn song hành từng phút giây. Vả lại, ông không chỉ viết về đời mình. Ví như truyện “Người điên không biết nhớ” thì làm gì ông đã trải qua; “Khóc không thành tiếng” là nỗi bi ai của những đứa trẻ học ở ngôi trường gần nhà ông, chúng yêu nhau sớm quá và hứng chịu nỗi đau cho nông nỗi của mình... Khi đưa người thật vào nhân vật truyện, Nguyễn Trí cho họ những cái kết đẹp đẽ hơn. Sự thật là họ chết nhưng ông cho họ sống, có cơ hội ăn năn, có con đường làm hại cuộc đời. Ông dùng ngòi bút của mình để hoán cảnh và canh tân nhân vật.

Sự vị tha trong ngòi bút xuất phát từ cái tâm người viết. Quả vậy, cách đây 8 năm, dư luận cả nước rúng động vì vụ án giết người tại Đồng Nai. Cô gái 17 tuổi đang mang thai đã giết chết một cô gái trẻ khác vì ghen tuông. Nạn nhân chính là con gái của nhà văn Nguyễn Trí. Ngày bị cáo hầu tòa, nhà văn Nguyễn Trí khẩn khoản xin tòa giảm án cho kẻ giết con mình. Vợ ông thì ôm ấp, dỗ dành đứa bé sơ sinh con của bị cáo. Bị cáo được giảm nhẹ hình phạt, vậy mà nhà văn Nguyễn Trí còn day dứt vì đã nói quá ít nên quan tòa chưa “rung động”.

Trong buổi trò chuyện nghiệp vụ với các bạn văn đất Cần Thơ, nhà văn Nguyễn Trí nói khá nhiều, đọc thơ khá hay với sự dân dã, chân chất của một bác xe ôm, một chú nông dân hơn là một nhà văn. Điều cốt lõi ông gửi gắm là sự trải đời và lắng nghe cuộc sống để có những câu văn hay, làm người đọc rưng rức, xót xa. Nhà văn Nguyễn Trí đã dùng cả tuổi xế chiều để làm điều đó…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết