Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương có vị trí và vai trò đặc biệt trong chính sách đối ngoại của các nước lớn. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khu vực này chiếm 44% diện tích, hơn 3/5 dân số và GDP thế giới, trên 50% lượng thương mại toàn cầu đi ngang qua đây.

Tàu chiến Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ và Úc tập trận tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Nikkei Asia
Chính quyền Donald Trump công bố chiến lược “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. Trước cả Mỹ, chính quyền cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm 2016 đã đưa ra chiến lược FOIP. Mục tiêu chính FOIP của Nhật Bản là thúc đẩy kết nối giữa châu Á, Trung Ðông và châu Phi, trong đó Ấn Ðộ Dương có tầm quan trọng về địa - chính trị mang tính chiến lược đối với an ninh của Nhật Bản; củng cố hình ảnh, tăng cường vị thế toàn cầu của Nhật Bản với vai trò là một nước lớn; thắt chặt thêm quan hệ đồng minh với Mỹ; và cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn với Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 năm 2019 cũng đã thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Tháng 9-2021, Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược Ấn Ðộ Dương -Thái Bình Dương, trong đó xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự của khối tại khu vực. Một số nước châu Âu cũng có chiến lược riêng về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Thật ra, từ năm 2015, Ấn Ðộ nêu rõ tầm nhìn môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu đã chuyển từ châu Âu - Ðại Tây Dương sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Sau đó, tầm nhìn chiến lược của Ấn Ðộ dần chuyển sang khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, liên kết với chính sách “Hành động phía Ðông” của New Delhi.
Úc cũng là một trong những quốc gia ủng hộ và phổ biến khái niệm Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương từ khá sớm. Sách trắng Quốc phòng năm 2016 và Sách trắng Chính sách đối ngoại năm 2017 của Úc đã đề cập tới Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương như một cấu trúc địa chính trị quan trọng để định hướng chính sách đối ngoại và an ninh của nước này.
Trong khi đó, Nga, vốn ủng hộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nay vẫn dè chừng với khái niệm Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, dù dư luận nước này thúc giục Mát-xcơ-va theo đuổi chính sách riêng với khu vực với trọng tâm là ASEAN, Ấn Ðộ và Trung Quốc.
Riêng Trung Quốc vẫn tránh xa cuộc luận bàn về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nghi ngờ đây là một chiến dịch nhằm kiềm chế quốc gia đông dân nhất thế giới đang ngày càng hùng mạnh và quyết đoán.l