26/07/2013 - 10:15

Vạch lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thu hoạch lúa hè thu tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (gọi tắt là Đề án) với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp; đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Việc triển khai Đề án hứa hẹn sẽ làm chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng theo hướng ổn định và bền vững gắn với nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn…

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của nước ta trong những năm qua cho thấy, mặc dù diện tích sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ song ngành nông nghiệp các địa phương đã không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm mọi giải pháp để gia tăng thu nhập của người nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Song song đó, việc liên kết nông dân lại hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã được triển khai rộng khắp. Trong nội dung Đề án, việc tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền đã đề cập rất cụ thể. Đặc biệt đối với sản xuất lúa, Đề án đề ra mục tiêu duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phấn đấu đưa sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020. Theo ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất lúa, song thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn còn rất bấp bênh. Vì thế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tỉnh thành trong vùng cần nghiên cứu đề xuất ở những nơi điều kiện không phù hợp để canh tác lúa, có thể chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác nhưng vẫn đảm bảo giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL là nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì thế, song song đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cũng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp. Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, cho rằng: “Để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL, các DN xuất khẩu nông thủy sản cần nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Song hiện nay, việc tiếp cận vốn trung và dài hạn của các DN gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, Chính phủ cần thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành đồng bộ và hợp lý hỗ trợ lãi suất đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để tạo điều kiện phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường gắn với thực hiện công nghiệp hóa nông thôn”.

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ra đời trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đứng trước rất nhiều thách thức khi khả năng cạnh tranh còn hạn chế, thu nhập của nông dân còn bấp bênh. Vì thế, Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6% - 3,0%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, từ 3,5 - 4,0%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, tập trung vào một số định hướng phát triển như: Tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới...

Ngay sau khi Quyết định 899/QĐ-TTg được ban hành, ngày 20-6-2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH “Về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và  chỉ đạo các Sở NN&PTNT các địa phương lập kế hoạch hành động triển khai Đề án của địa phương mình trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt trước ngày 30-7-2013. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, định hướng phát triển nông nghiệp của TP Cần Thơ là hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì thế, ngành nông nghiệp đang lập kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT. Song song đó, thành phố cũng xác định nhu cầu đầu tư và phân kỳ đầu tư đối với các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn để huy động nguồn lực từ Trung ương và địa phương. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, các vấn đề về cải thiện an sinh xã hội nông thôn, qui hoạch lại đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho nông dân đặc biệt là cho người trồng lúa, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp tương xứng về khoa học công nghệ... cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Ngoài nội dung yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội cho Đề án. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện Nghị quyết “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu. Ngoài ra, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của nhà nước và tư nhân. Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các giải pháp cụ thể đã được vạch ra, vấn đề còn lại là sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành Trung ương và các địa phương để Đề án sớm đi vào thực tiễn, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết