27/01/2020 - 16:15

Ước vọng đầu XUÂN 

Về miền Tây thưởng thức trái cây, ăn chén cơm nấu từ hạt gạo “ngon nhứt thế giới” và cảm nhận nét thâm trầm của giai điệu đờn ca tài tử là trải nghiệm thú vị mùa Tết này. Qua Tết không lâu, Tây Đô sẽ đón tài tử gần xa về hội ngộ tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2020. Bên chén trà Xuân, cùng nghe nhà nghiên cứu, soạn giả, nghệ nhân chia sẻ ước vọng về tương lai đờn ca tài tử.

* Xác lập không gian  diễn xướng  cho đờn ca tài tử

Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa địa phương.

Vinh dự là người viết kịch bản cho lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2020, điều tôi muốn gửi gắm là tái hiện lại không gian diễn xướng đờn ca tài tử suốt chiều dài lịch sử của di sản này. Đó là không gian miệt vườn, đồng ruộng, sông nước, không gian nội thất và bây giờ hiện đại hơn thì có không gian sân khấu, truyền hình, du lịch...

Tôi luôn cho rằng, việc xác lập những không gian như thế là rất cần thiết. Có không gian diễn xướng để có cách sinh hoạt đờn, ca phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của người chơi, người thưởng thức. Tôi lấy ví dụ, nếu ca trong nội thất, giữa tri kỷ, tri âm thì ta chuộng yếu tố căn bản, ca bài bản khó, đờn bài bản xưa, nhiều câu, nhiều lớp. Nhưng khi đờn ca để phục vụ du lịch thì nên ngắn gọn, vui tươi và nhất là chú ý đến tính hấp dẫn. Tôi nhấn mạnh rằng, dù cho đờn ca trong không gian nào thì yếu tố hấp dẫn phải đặt lên hàng đầu, để người chơi và người thưởng thức tìm được sự hào hứng, lý thú trong mỗi giai điệu.

* Sáng tác bài bản mới cho đờn ca tài tử, tại sao không?

Đờn ca tài tử đã hơn trăm năm ngân vang trên vùng đất phương Nam. Di sản của tiền nhân để lại là 20 bài bản tổ cùng rất nhiều bài ca lẻ. Đó là chặng hành trình dài tiền nhân “ươm kén nhả tơ”. Vậy nên bây giờ, sao hậu thế chúng ta không tiếp tục làm phong phú, vinh hiển đờn ca tài tử bằng việc sáng tác bài bản mới. Điều này là rất nên khuyến khích để di sản đờn ca được trường tồn.

Soạn giả, Nghệ nhân ưu tú Minh Thơ.

Tôi đã từng cố gắng viết lời mới cho các bài bản tài tử đủ câu, đủ lớp như thời xưa. Tôi cũng mạnh dạn thử nghiệm viết bài vọng cổ đủ 20 câu - như nguyên thủy của bản “Dạ cổ hoài lang” thuở trước. Một câu chuyện khác cũng khá thú vị là gần đây, nhóm của nhạc sĩ Nhị Tấn ở TP Hồ Chí Minh có thử nghiệm lấy 3 câu đầu của 7 bài Hạ để soạn thành bản “Tam Thủ Hạ”. Đối trọng lại, nhóm soạn giả Trọng Huỳnh, Văn Quýt ở Cần Thơ lại lấy 3 câu cuối và đặt tựa “Tam Vĩ Hạ”. Dĩ nhiên, chuyện hay - dở, khả thi hay không, thì cần có thời gian nhưng việc làm này tôi cho là cần khuyến khích.

* Đổi mới cách ca tài tử

Nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng.

Năm 2019, tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bản thân cũng vinh dự góp mặt trình diễn trong lễ khai mạc của hai kỳ Festival Đờn ca tài tử quốc gia tại Bạc Liêu và Bình Dương. Kinh nghiệm này cho tôi thấy rằng, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia do Cần Thơ đăng cai thực sự là cú hích để bảo tồn và phát triển di sản trong thời gian tới.

Tôi cũng mong sao các nghệ nhân luôn tìm cách đổi mới trong cách ca, dĩ nhiên, bản sắc tài tử là nhất định phải giữ. Trong cách ca, nghệ nhân có thể vun đắp thêm sở trường cá nhân, gửi cảm xúc, chất trữ tình mà thế hệ đi trước gọi là “thêm hoa, thêm lá” cho bài ca thêm bay bổng. Sự mới mẻ, hấp dẫn trong giọng hát của nghệ nhân luôn chạm đến trái tim người nghe. Một điều nữa tôi cũng mong muốn là không chỉ Cần Thơ mà các tỉnh, thành khác ở Nam bộ nên chú trọng tìm kiếm và chăm bồi giọng ca tài tử trẻ. Họ sẽ giúp đờn ca tài tử thêm sức sống và hấp dẫn hơn.

* Tự hào di sản đờn ca tài tử!

Tài tử trẻ Đặng Hồng Trúc, giải Nhất Liên hoan Đờn ca tài tử- Dân ca Nam bộ TP Cần Thơ 2019.

Em đến với đờn ca tài tử từ khi 10 tuổi và bây giờ đã 11 năm. Câu hỏi em được nghe nhiều nhất là, một cô gái trẻ sao không thích nhạc trẻ, nhạc hiện đại mà lại thích đờn ca tài tử. Em trả lời rằng, đờn ca tài tử đã thấm vào máu của em rồi! Em tự hào di sản đờn ca tài tử quê mình!

Gia đình em có truyền thống đờn ca, ông nội là người thầy đầu tiên của em. 11 năm qua, em lại được học rất nhiều người thầy, người dạy em ca bản Bắc, người dạy em ca bản Oán và mới đây em lại tự tin khi ca tốt bản vọng cổ nhịp 16... Càng đi sâu và hiểu đờn ca tài tử, em lại thấy mình như hạt cát giữa sa mạc, lại thấy phải học hỏi, trui rèn nhiều hơn.

Chia sẻ bài viết