03/11/2009 - 20:21

Ước mơ của cậu học trò nghèo

Cô Thạch Thị Bùi Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A và em Trương Anh Kiệt.

Trương Anh Kiệt là một trong 16 gương học sinh vượt khó, học tốt được Hội Khuyến học quận Ninh Kiều trao học bổng vào cuối tháng 9 vừa rồi. Kiệt đang học lớp 2A, Trường Tiểu học Lê Lợi, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trường: cha bỏ đi, mẹ bị bệnh tâm thần, em đang sống với bà ngoại già yếu...

Kiệt có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, nước da ngâm đen, sống cùng bà ngoại, dì Ba và cậu Út trong một căn phòng trọ nằm sâu trong một con hẻm ở khu vực 6, phường An Khánh. Căn phòng với diện tích khiêm tốn, chỉ đủ trải chiếc chiếu làm chỗ ngủ cho bốn người và kê một cái bếp nấu ăn. Nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương phụ hồ không ổn định của dì Ba và cậu Út. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi thứ nhưng Kiệt rất ngoan và học hành chăm chỉ.

Hôm tôi đến nhà, bà Nguyễn Thị Út (bà ngoại Kiệt) đang bị bệnh. Kiệt mang chén cháo trắng với đường ra cho bà ăn, em xoa xoa đôi bàn tay đã chai sần của bà vì bao năm dầm sương dãi nắng buôn bán tảo tần lo cho con, cho cháu, rồi lau những giọt mồ hôi trên trán ngoại. Bà Út kể: “Tuy còn nhỏ nhưng Kiệt rất hiểu chuyện và hiếu thảo, đi học về là lo cơm nước phụ tôi. Tôi bị bệnh nó lo lắm, thường nhắc nhở tôi uống thuốc”. Bà Út xoa đầu đứa cháu ngoại tội nghiệp, mới 8 tuổi đầu đã thiếu thốn tình thương. Cha Kiệt bỏ đi khi em còn trong bụng mẹ. Sinh em ra, mẹ không có điều kiện chăm sóc nên bà ngoại rước em qua Cần Thơ chăm sóc, lúc đó Kiệt chỉ mới bảy tháng tuổi. Mẹ Kiệt ở quê (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vất vả làm thuê, làm mướn kiếm tiền gửi lên cho ngoại nuôi em. Do làm việc quá sức và buồn cảnh gia đình tan vỡ nên mẹ Kiệt bị bệnh tâm thần, khi em tròn bốn tuổi.

Để kiếm tiền lo cho cháu, hằng ngày, bà ngoại lội bộ đi bán vé số, lấy tiền lời phụ dì Ba và cậu Út lo cái ăn cho cả nhà và tiền học cho Kiệt. Bà Út bộc bạch: “Con Ba đi phụ hồ, ngày kiếm được vài chục ngàn, còn thằng Út làm thợ lương có khá hơn một chút, nhưng việc làm không ổn định, lúc trời mưa thì thất nghiệp, nên thu nhập của hai người cộng lại cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Tôi bị bệnh cả tuần nay mà không có tiền đi khám bệnh”.

Mỗi ngày Kiệt cùng bà ngoại đi bộ gần ba cây số để đến trường. Đôi chân nhỏ nhắn của em đã quen thuộc với con đường đến lớp gần 2 năm nay. Đôi dép mòn gót và tấm ni lông thủng lỗ chỗ bạc màu (che mưa) đã đồng hành cùng Kiệt đến trường trong những ngày nắng gắt hay những khi mưa dầm. Vất vả, nhưng Kiệt vẫn đi học đều và đạt thành tích học sinh khá trong năm học vừa qua. Đầu năm học lớp 2, Kiệt không đòi ngoại mua cho chiếc áo mới như những đứa trẻ khác, em vẫn mặc chiếc áo trắng đã ngã màu. Kiệt nói: “Ngày nào đi học con cũng mang theo chai nước. Bà ngoại cho thêm 2.000 đồng để ăn quà. Hôm nào ăn cơm no rồi thì con chỉ ăn 1.000, còn 1.000 đem về cho ngoại”. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng Kiệt đã biết suy nghĩ, hiếu thảo và cố gắng tự mày mò học tập. Tối nào Kiệt cũng mang sách Tiếng Việt ra đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc, làm xong những bài tập cô cho về nhà rồi mới đi ngủ. Nhà không có bàn học, Kiệt bày sách vở ra nền gạch. Nhìn Kiệt còm lưng để viết bài, bà Út quay đi để giấu đôi hàng nước mắt. Khó khăn không làm Kiệt thôi mơ ước và quyết tâm được tiếp tục đến trường. Bà Út cho biết: “Mặc dù thiếu vắng tình thương của cha mẹ, không đủ đầy về vật chất, Kiệt vẫn rất ham học. Tôi còn khỏe ngày nào sẽ cố gắng đi bán vé số để lo cho Kiệt đi học”. Vóc dáng lanh lẹ, tính tình ngoan hiền, lại chăm học nên đầu năm học này Kiệt được cô giáo chủ nhiệm cử làm Tổ trưởng tổ 2. Kiệt sẵn sàng giúp đỡ các bạn cùng lớp trong học tập, nhận kèm bạn Ngô Hồng Anh môn tập đọc và làm toán, giờ bạn Hồng Anh đã đọc tốt hơn. Cuối tháng 9 vừa rồi, Kiệt được nhận học bổng của Hội Khuyến học quận Ninh Kiều số tiền 400.000 đồng. Em đưa cho ngoại để làm lộ phí về quê thăm mẹ, đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Cái Bè, Tiền Giang. Bà Út tâm sự: “Cách đây hai tuần, tôi đưa cháu Kiệt về Tiền Giang thăm mẹ, nhưng mẹ Kiệt lúc tỉnh lúc mê, khi nhận ra cháu, khi đánh đuổi cháu đi. Kiệt chỉ đứng từ xa nhìn mẹ nó, nước mắt lưng tròng”. Dù vậy, trong lòng em vẫn khao khát được ở gần bên mẹ, được mẹ yêu thương, vỗ về, đưa đón em đi học như những bạn cùng trang lứa khác: “Con nhớ mẹ con lắm nhưng lâu lâu con mới đi thăm mẹ một lần, chứ đi hoài thì ngoại con không có tiền để đi. Con mong mẹ mau hết bệnh để về với con”. Trong lòng em ngày ngày vẫn ấp ủ ước mơ ngây thơ nhưng đầy ý nghĩa: “Con ráng học thành tài để có tiền lo cho mẹ và bà ngoại”.

Cô Thạch Thị Bùi Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A Trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết: “Trong lớp, Kiệt học rất khá, năng động, hay tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài, chỗ nào không hiểu em cũng mạnh dạn xin cô giảng lại. Em Kiệt có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp và là một trong những hoàn cảnh khó khăn của trường, nên khi vận động được tập vở, quần áo, hay có học bổng nhà trường đều ưu tiên giúp đỡ em”.

Trong ánh mắt Kiệt luôn cháy bỏng ước mơ và niềm tin được đến trường học tập. Em đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên học tốt là điều rất đáng trân trọng, nhưng con đường phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng và các nhà hảo tâm để ươm mầm cho ước mơ của Kiệt thành hiện thực.

Bài, ảnh: Phương Dung

Chia sẻ bài viết