24/06/2014 - 22:11

Thạc sĩ Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang:

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Chính thức hoạt động từ năm 2005, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang, thuộc Sở khoa học và Công nghệ Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học. Trong đó, nhiều đề tài đã được ứng dụng thực tế không chỉ ở Tiền Giang mà còn mở rộng ở một số tỉnh ĐBSCL đạt hiệu quả cao. Đây được xem là tín hiệu khả quan trong xây dựng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ công nghiệp chế biến, đặc biệt là trong lĩnh vực vi sinh ứng dụng.

Thạc sĩ Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang, cho biết:

- Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất trong lĩnh vực CNSH. Thực hiện các hoạt động dịch vụ về khoa học, công nghệ và môi trường theo quy định của pháp luật; là đơn vị chuyên tư vấn thực hành nông nghiệp. Trung tâm còn là kênh phân phối các thông tin, phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác nông nghiệp an toàn và bền vững; hỗ trợ các nghiên cứu khoa học – mang lại các kết quả chính xác, nhanh chóng trong quá trình nghiên cứu khoa học phát triển CNSH để xử lý môi trường, chế biến phụ phẩm chất thải công – nông nghiệp thành các sản phẩm có ích và đánh giá chất lượng các sản phẩm có hàm lượng CNSH… Hằng năm, Trung tâm nhận hơn 5.000 mẫu (nước, không khí, đất, thức ăn gia súc, sản phẩm nông nghiệp…) và phân tích hơn 50.000 chỉ tiêu để phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển CNSH, giám sát, quản lý chất lượng môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

* Những đề tài, dự án khoa học nào của Trung tâm nghiên cứu đã được ứng dụng một cách rộng rãi vào thực tiễn, thưa bà?

- Các đề tài, dự án có thể kể đến như: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ rau quả an toàn” đã đưa chế phẩm sinh học Bioroot vào sản xuất trên nền hữu cơ là vỏ hạt điều. Đây nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp dồi dào có ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sản phẩm Bioroot có ưu điểm là phòng trừ sâu hại, các bệnh hại về rễ góp phần nâng cao chất lượng, an toàn cho sản phẩm rau quả trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững của cả nước. Chế phẩm sinh học Bioroot được thử nghiệm rộng rãi trên nhiều loại cây trồng trong tỉnh, kết quả bước đầu cho thấy đã giảm đáng kể tỷ lệ chết cây con, chết bụi (rau ăn lá, rau ăn quả), chạy dây (cây họ bầu bí) và cho năng suất tăng cao. Từ cuối tháng 4-2014 đến nay, sản phẩm chế phẩm bón gốc Bioroot đã sản xuất và cung cấp cho thị trường Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long khoảng 50 tấn. Đây là sản phẩm tiềm năng và chủ lực của Trung tâm. Trước đó, năm 2012, Trung tâm thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ tận dụng vỏ trái ca cao làm thức ăn chăn nuôi heo và phân bón hữu cơ vi sinh”. Phân hữu cơ vi sinh (HCVS) tận dụng được hàm lượng kali dồi dào từ vỏ trái ca cao, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm do quá trình thối rữa, sâu mọt từ vỏ trái gây ra tại các điểm sơ chế lên men hạt ca cao. Phân HCVS từ vỏ trái ca cao cho thấy tính hiệu quả đối với cây trồng, đặc biệt giúp cây cứng chắc và đậu trái nhờ hàm lượng kali dồi dào từ vỏ trái ca cao. Tính đến năm 2012, Tiền Giang có khoảng 2.103 ha diện tích trồng ca cao với sản lượng trái khoảng 6.299 tấn, lượng vỏ thải ra khoảng 4.724 tấn. Đề tài này đưa vào ứng dụng đã xử lý tốt nguồn phụ phẩm dồi dào này lâu nay chưa được sử dụng hiệu quả.

Nhiều đề tài ứng dụng CNSH của Trung tâm đã phát huy hiệu quả tại Tiền Giang. (Ảnh chụp tại Phòng Nuôi cấy mô thực vật của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học Tiền Giang).

Bên cạnh đó, đề tài “Xây dựng mô hình nhân nuôi, phân phối, sử dụng các chủng vi sinh vật có ích để tạo phân sinh học bón cho cây khóm tại nông hộ” cũng được Trung tâm ứng dụng hiệu quả. Từ đề tài này đã hình thành được những mô hình ứng dụng các chủng vi sinh vật có ích để tạo phân sinh học bón cho cây khóm tại nông hộ thuộc xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước và Tân Lập 2 của huyện Tân Phước (Tiền Giang). Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất chế phẩm và phân HCVS cũng như công tác nhân rộng việc ứng dụng này trong các hộ dân là vấn đề thiết thực và mang lại hiệu quả cao cho nông hộ. Để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, xanh, sạch và an toàn, Trung tâm còn thực hiện đề tài “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn GAP”. Thực hiện đề tài, Trung tâm đã sản xuất và cung cấp trên 60.000 cây vú sữa giống chất lượng cao cho nông dân 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy. Đồng thời tập huấn cho nông dân trồng vú sữa ở 2 huyện này về phương pháp sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng vú sữa… cho hiệu quả kinh tế cao.

* Xin bà cho biết từ những kết quả khả quan đạt dược, Trung tâm có những định hướng gì trong thời gian tới?

- Mở rộng, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới, kết hợp các CNSH truyền thống là mục tiêu Trung tâm luôn hướng tới. Lẽ đó, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và triển khai rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ CNSH phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xử lý môi trường và y dược. Song song đó, hoàn thiện đưa vào sử dụng cơ sở vật chất Dự án nâng cao năng lực của Trung tâm (giai đoạn 1); tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng kịp thời giai đoạn 2 của dự án. Đồng thời hình thành khu sản xuất thực nghiệm CNSH để phục vụ cho các kế hoạch, đề án và dự án phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục mở rộng lĩnh vực và địa bàn hoạt động trong tư vấn Global GAP; VietGAP và đánh giá VietGAP. Nâng cao trình độ và kỹ thuật trong phân tích đánh giá chất lượng mẫu môi trường, đất, nước, không khí và các đối tượng mẫu khác như trong phân bón, thực phẩm... Đưa sản phẩm phân hữu cơ vi sinh Bioroot, thức uống trái cây lên men thành 2 sản phẩm chủ lực, nhằm thương mại hóa sản phẩm một cách có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà sản xuất và nhà nông, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp có sử dụng sản phẩm CNSH bền vững, xanh, sạch và an toàn.

* Xin cảm ơn bà!

Huy Hoàng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết