Quyết định từ chức của Thủ tướng Anh Liz Truss sau hơn 6 tuần nắm quyền đầy sóng gió đã mở ra cuộc đua trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ cầm quyền.
Những nhân vật có thể thay thế bà Truss trong vai trò thủ tướng Anh.
Thủ tướng Truss ngày 20-10 đã tuyên bố từ chức sau khi những chính sách kinh tế mà bà đưa ra làm xáo trộn thị trường tài chính và gây ra cuộc nổi dậy trong đảng Bảo thủ. Phát biểu bên ngoài số 10 Phố Downing, bà Truss cho biết sẽ tiếp tục đảm nhận cương vị thủ tướng cho đến khi có người kế nhiệm. Người kế nhiệm bà sẽ là thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 3 tháng.
Như vậy, bà Truss đã trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh với chỉ 45 ngày. Kỷ lục trước đó thuộc về cựu Thủ tướng George Canning, người đảm nhiệm chức vụ 119 ngày trước khi qua đời năm 1827.
Khơi mào cuộc đua
Sau thông báo từ chức của bà Truss, Công đảng, phe đối lập chính, đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra. Thay vào đó, đảng Bảo thủ sẽ bầu ra thủ lĩnh mới, người cũng nắm vai trò thủ tướng.
Ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, thông báo quá trình đề cử ứng viên bắt đầu vào ngày 20-10. Mỗi ứng viên cần nhận được sự hậu thuẫn của ít nhất 100 trong số 357 nghị sĩ Bảo thủ, tức chỉ có tối đa ba ứng viên vào vòng bỏ phiếu. Nếu chỉ có một ứng viên giành được sự ủng hộ của ít nhất 100 nghị sĩ, lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ và cũng là tân thủ tướng Anh sẽ được xướng tên vào ngày 24-10. Trong trường hợp có ba ứng viên, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn ra hai người có kết quả cao nhất vào ngày 24-10. Sau đó, 172.000 đảng viên Bảo thủ sẽ bỏ phiếu trực tuyến cho đến ngày 28-10 để chọn ra người chiến thắng, kết quả chung cuộc dự kiến được công bố cùng ngày.
Ai có thể kế nhiệm bà Truss?
Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, cựu Thủ tướng Boris Johnson, Chủ tịch Hạ viện Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những cái tên sáng giá sẽ trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ.
Bà Truss đã dễ dàng đánh bại ông Sunak trong cuộc đua giành chức lãnh đạo đảng Bảo thủ mùa hè năm nay, với cam kết cắt giảm thuế và quy định mà không hạn chế chi tiêu của chính phủ. Ông Sunak khi đó cảnh báo rằng kế hoạch của bà Truss trong việc tăng vay mượn của chính phủ là liều lĩnh và có thể làm trầm trọng tình trạng lạm phát vốn đã ở mức cao nhất nhiều thập niên cũng như khiến thị trường Anh chao đảo.
Giờ đây, thực tế đã chứng minh ông Sunak đúng và các nhà cái đang xem chính khách 42 tuổi là ứng viên hàng đầu để thay thế bà Truss. Ông Sunak từng nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ Bảo thủ nhất trong các vòng bỏ phiếu liên tiếp, trước khi bà Truss giành chiến thắng hồi tháng 9. Tuy nhiên, vị này hiện cũng bị coi là nhân vật gây chia rẽ. Nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ, những người thường có tiếng nói cuối cùng về vị trí lãnh đạo đảng, không sẵn lòng tha thứ cho Rishi Sunak vì vai trò của ông trong việc lật đổ cựu Thủ tướng Boris Johnson.
Ông Johnson đã rời nhiệm sở đầu tháng 9 sau một cuộc nổi dậy trong nội các của ông và các nghị sĩ Bảo thủ, xuất phát từ việc Bộ trưởng Sunak và những người khác đệ đơn từ chức sau nhiều tháng chính phủ liên tiếp vướng bê bối. Sau khi bà Truss thông báo từ chức, tờ Times loan tin ông Johnson đang lên kế hoạch tham gia cuộc đua. Theo tờ The Telegraph, tính đến tối 20-10, có 29 nghị sĩ công khai ủng hộ ông Sunak trong khi con số này là 24 đối với ông Johnson và 11 đối với bà Mordaunt.
Theo Hãng tin Bloomberg, bất kể ai thay thế bà Truss giữ chức thủ tướng cũng sẽ “thừa hưởng” nền kinh tế Anh với chi phí vay tăng cao, hóa đơn năng lượng nhảy vọt, thuế cao và không có chiến lược về giải pháp phục hồi tăng trưởng. Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này đang phải đối mặt với bất ổn chính trị, cùng với những lo ngại về kinh tế khi lạm phát tăng cao. So với cùng kỳ năm 2021, giá thực phẩm trong tháng 9 tại Anh đã tăng 14,6%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1980. Giá thực phẩm tăng mạnh được coi là nguyên nhân chính khiến Anh lần đầu ghi nhận lạm phát ở mức hai chữ số trong vòng 4 thập niên (10,1%) và sẽ còn tăng vào mùa đông. Điều này sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất bất chấp nền kinh tế đang chậm lại.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)