30/01/2011 - 10:06

Tục xông đất đầu năm

“Rước” lân múa ngày Tết - một hình thức
“xông đất” đầu năm.

Xông đất đầu năm là một tục lệ có từ lâu đời ở nước ta. Đó là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, hướng tới một ước vọng an lành, đón nhận được nhiều may mắn, thuận lợi, vui vẻ trong suốt một năm. Cũng có ý kiến cho rằng tập tục xông đất ảnh hưởng của Lão giáo ở Trung Quốc: kể từ thời khắc giao thừa cho đến hết ngày mùng một, nếu có người vui vẻ, hoạt bát và hạp tuổi với gia chủ đến nhà thì sẽ đem lại may mắn suốt cả năm.

Theo quan niệm, vào thời điểm năm mới, những người bị xem là nặng vía, gia đình có tang, có chuyện không vui... thì tuyệt đối không được đến nhà người khác vì sẽ làm gia chủ xui xẻo suốt cả năm. Vì vậy, trong suốt đêm giao thừa cho đến cả buổi sáng ngày mùng một dù gia đình không có chuyện gì gọi là buồn phiền người ta cũng ngại đến thăm nhau. Nếu như gia đình được mình đến thăm có chuyện gì không may mắn trong năm người ta sẽ đổ lỗi cho mình. Ngày xưa, để chọn người đến xông đất nhà mình, người ta thường lựa những người có tên tốt như Tài, Lộc, Phúc; những người đổ đạt thành tài, gia đình làm ăn phát đạt; nét mặt có vẻ như lúc nào cũng tươi cười, rạng rỡ, sức khỏe dồi dào, có tướng sang trọng... Những người này thường được gia chủ mời trước, rằng vào lúc đó, giờ đó mời anh đến nhà tôi xông đất giùm.

Người đến xông đất thường mang theo một ít quà tượng trưng, có khi là chai rượu, có khi là hộp bánh và một ít tiền lì xì để lì xì cho trẻ con. Người đến xông đất thường được gia chủ tiếp đón niềm nở, tiếp đãi đàng hoàng và khi ra về còn được gia chủ biếu một ít quà mang về.

Có câu chuyện kể rằng: có một anh nọ dặn người bạn của mình, sau đêm giao thừa đến nhà anh xông đất giùm. Vì người bạn của anh chủ nhà này tên Tài nên anh ta tin rằng năm mới bạn mình đến nhà thì sẽ làm ăn phát đạt. Quả nhiên, năm đó anh ta làm ăn phát đạt thật, chẳng mấy chốc mà trở nên giàu có.

Tết năm sau, anh ta cũng dặn người bạn ấy đến nhà mình xông đất. Đúng hẹn, người bạn của anh đến, gõ cửa nhà và gọi anh ra mở cửa. Vì một chút sơ ý nên anh mới hỏi vọng ra là ai đến vậy. Lúc này người bạn của anh ta cảm thấy bực mình nói: “Anh kêu tôi đến, bây giờ còn hỏi tôi là ai”. Vì bạn của anh ta bực bội trong lòng nên nét mặt không được vui, năm đó anh chủ nhà làm ăn thất bại và chẳng mấy chốc gia tài lại khánh kiệt.

Tóm lại, xông đất mặc dù có mang chút ít màu sắc mê tín nhưng thật sự có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người. Ai ai cũng tin rằng, nhà mình được xông đất đầu năm sẽ làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, hanh thông suốt cả năm, nên trong năm cố công làm lụng, ra sức để dành để lo cho cuộc sống của gia đình mình. Tục xông đất còn thể hiện ước vọng của con người từ ngàn đời nay, mong muốn có được sức khỏe, hòa bình, giàu sang phú quý... âu cũng là những ước mơ rất con người.

Có người bảo rằng, tục xông đất đầu năm chẳng qua là thể hiện sự thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh của con người trước cuộc sống nên mới “cầu viện” người ngoài đến xông đất. Thật sự thì chưa hẳn vậy, từ xưa đến nay, tục xông đất đầu năm đâu chỉ là của riêng những gia đình nghèo khó mà những gia đình quyền quý, những đại điền chủ xưa cũng thực hiện. Xông đất ngoài yếu tố tâm lý còn có ý nghĩa tích cực nữa là nó giúp con người siêng năng làm lụng và vững tin vào cuộc đời.

Ngày nay trong xã hội đã xuất hiện dịch vụ xông đất để đáp ứng nhu cầu tâm lý này của con người. Ngày xưa, người đến xông đất nhà mình thì mình biết rõ từ gia cảnh đến tính tình, tuổi tác... nhiều trường hợp người đến xông đất và gia chủ là chỗ bạn bè chí cốt, anh em họ hàng, bà con láng giềng nên nó có ý nghĩa nhất định của nó. Còn ngày nay, sáng mùng một, mở cửa ra bỗng dưng thấy một người lạ hoắc đến nhà mình xông đất, nên chăng?

TRẦN KIỀU QUANG

Chia sẻ bài viết