17/02/2019 - 16:31

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt 

Thờ cúng tổ tiên là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Người Việt thường xem chữ hiếu như một trong những thước đo phẩm chất, bởi vì có hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì mới cư xử tốt với đời. Một trong những cách thể hiện trọn chữ hiếu đó là thờ cúng gia tiên.

Một gia đình Nam bộ cúng rước ông bà ngày 30 Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Mỗi gia đình người Việt đều xem bàn thờ tổ tiên là nơi thiêng liêng nhất, tôn kính nhất, thể hiện sự ghi nhớ nguồn gốc, công ơn với người đi trước. Nguyễn Tài Thư đã bày tỏ: Người đương thời thấy có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu; cúng bái, thờ phụng cha mẹ khi qua đời. Họ thấy phải noi gương cha mẹ, thờ phụng những người đã khuất và giữ gìn tập tục của họ.(1)

Tục thờ cúng tổ tiên ở người Việt có một số nét đặc thù: tổ tiên gia đình và tổ tiên cả nước gắn chặt với nhau trong việc tưởng niệm và thờ cúng. Có lẽ ít có dân tộc nào tưởng niệm và thờ cúng những vị tổ tiên đầu tiên như tục thờ các vua Hùng ở người Việt(2). Với thờ cúng tổ tiên, đạo hiếu của người Việt được cố định ở một chiều sâu tâm thức và là sự khẳng định con người cá nhân không hề đoạn tuyệt với dòng giống dù là ở phạm vi cả tộc người hay ở phạm vi từng gia đình. Trong khi hướng tới tương lai, người Việt không hề cắt đứt mình với quá khứ. Ký ức lịch sử, ký ức gia đình càng sâu, thì sự khẳng định con người cá nhân cũng càng sâu. Chỉ xét riêng về mặt đạo lý, cũng có thể thấy được sự thờ cúng tổ tiên người Việt là một cái gì máu thịt, cho dù môi trường xã hội có thay đổi như thế nào chăng đi nữa. Yếu tố đạo lý và yếu tố tín ngưỡng quyện chặt với nhau trong thờ cúng tổ tiên(3).

Chính vì lẽ đó, từ nhà giàu sang cho đến gia đình nghèo khó đều đặt bàn thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà mình. Bàn thờ tổ tiên ở Nam bộ nói chung được bài trí đơn giản hơn so với Bắc bộ. Ở miền Bắc, thường có nhà thờ tộc họ chung, con cháu dòng dõi trong một họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ. Nhà thờ Thủy Tổ có riêng một thần chủ, để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi, gọi là "Bách thế bất diêu chi chủ". Còn về gia từ, nhà phú quý có đủ thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, lấy nghĩa rằng gỗ táo sống lâu được nghìn năm, dài độ một thước, ở giữa đề tên, họ, chức tước và hai bên thì đề ngày tháng sinh tử của tổ tiên, có hộp vuông che kín và để trong long khám, khi nào cúng tế mới mở ra. Hễ đến năm đời thì lại đem thần chủ cao tổ đi mà nhấc lần tằng, tổ, khảo lên bực trên, rồi đem ông mới nhất mà thế vào thần chủ ông khảo, gọi là "Ngũ đại mai thần chủ". Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, cũng có nhà chỉ dùng một bộ ỷ để thờ. Đồ thờ phụng thì nhà nào cũng có một bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cỗ đài rượu, hộp trầu, đài nước… Người thì dùng đồ đồng đồ thiếc, người thì dùng đồ sơn son thếp vàng thếp bạc. Nhà nào giàu có treo hoành biển và đối liễn dán giấy. Đại ý trong chữ thì chỉ là ghi tụng công đức của tổ tông.

Đồ thờ phụng, nhà giàu càng thì càng trang hoàng nhiều đồ quý, mà nghèo đến đâu cũng có được một vài cây đèn nến sơn son và một cái bình hương(4).

Một kiểu bàn thờ gia tiên truyền thống ở Nam bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Đó là thiết chế chung của bàn thờ tổ tiên ngoài Bắc, trong Nam thì đơn giản hơn, chỉ những gia đình giàu có mới mua tủ thờ bằng loại cây tốt, sơn màu đen bóng, có cẩn xà cừ, hoặc có khi người ta mua một tủ kính lớn để làm tủ thờ. Phía trên đặt bàn thờ gia tiên, trong tủ dùng để trưng đồ đạc. Trên bàn thờ có bài vị và ảnh của ông bà, cha mẹ, hoặc có thêm bức bình phong lộng kiếng. Trên bức bình phong ghi những câu liễn đối bằng chữ Hán nói về công đức của ông bà. Cách bài trí trên bàn thờ thường có bình hương để chính giữa, cặp chân đèn để hai bên bình hương, bình bông dùng để cắm bông tươi. Ngoài ra, còn có trà rượu, trái cây, nhất là những dịp cúng kiến, người ta còn cúng thêm xôi thịt. Cụ thể:

- Bình hương (tức bình nhang): Để chính giữa bên ngoài cùng trên bàn thờ. Bình hương làm bằng gỗ tiện hoặc bằng sành sứ, đồng, hình tròn, rỗng ruột, bên trong đổ cát để cắm hương.

- Chân đèn: Luôn là một cặp, để ở hai bên bình hương, loại xưa thường làm bằng gỗ tiện, cao bốn tấc, trên cùng tiện thành búp sen, đặt cặp đèn bằng dĩa dầu phộng, thắp cháy bằng bấc (kim bấc), ở khoảng giữa là một hình dĩa… Đến khi có dầu hỏa thì thắp bằng đèn trứng vịt, về sau phổ biến là đèn cầy, ngày nay lại thắp bằng điện. Còn có loại đèn được tạo ra bằng cách lắp ghép các loại tô, dĩa sành sứ, nhiều màu sắc. Loại có giá trị cao, làm bằng đồng thau, ghép lại từ bốn bộ phận với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau.

 - Bình bông: Còn gọi là lục bình, nguyên là chiếc bình cắm hoa bằng sứ, sáu cạnh, có xuất xứ từ Trung Quốc, thể hiện ý tưởng: tâm không, lục căn thanh tịnh. Đây là loại hiếm. Nay chỉ thấy xài đồ sứ Đồng Nai, dạng tròn, thân suôn, bầu, cổ thắt, miệng loa, dùng để chưng bông tươi, đổ nước vào vừa làm nặng bình cho bình đứng vững, vừa giữ tươi bông.

- Dĩa ngũ quả: Loại dĩa lớn, xếp nhiều loại trái cây theo một cơ cấu tên trái cây, được đặt trên một cái chò. Chò thường cao khoảng bốn tấc, làm bằng các loại gỗ quý, chạm khắc hoặc cẩn ốc xà cừ long, lân, quy, phụng và theo hình kiềng ba chân nên rất vững chắc dù dĩa trái cây rất nặng. Bình bông, mâm quả thường đặt đối xứng theo thế "Đông bình, tây quả", chò trái cây ở giữa, hai bình bông ở hai bên, hoặc theo thế "nhứt quả lưỡng bình".

- Lư đồng: Để nơi chính giữa bàn thờ, nguyên là một đỉnh đồng hình tròn, không nắp, tượng trưng cho thái cực, dùng đốt nhang hay đốt trầm. Khi nhu cầu dùng bình hương xuất hiện, thì đỉnh đồng được cách tân, biến thể thành lư đồng với chức năng để đốt trầm. Khi ít người sử dụng trầm, lư đồng nghiễm nhiên trở thành vật trang trí, vẫn được xếp vào nhóm bộ đồ thờ. Có hai kiểu: kiểu tròn xuất xứ từ miền Trung, Bắc; kiểu vuông là kiểu phổ biến ở Nam bộ. Tất cả đều có các bộ phận rời: chân đế, thân lư (mà hai bên có gắn chùm quả đào…) và nắp đậy, có lỗ thông khói trầm; lư tròn có ba chân, lư vuông có bốn chân. Toàn thân lư, thường được khắc chìm nổi những hoa văn trang trí tỉ mỉ, đẹp. Có kiểu lư đồng mắt tre cao cấp, tinh xảo, đắt tiền.

- Ống nhang: Bằng gỗ tiện, hình trụ, miệng hơi loe, dùng đựng than nguyên, đặt cạnh chân đèn, thường có một hoặc hai ống. Thời chiến tranh, người ta dùng vỏ đạn 75 ly, lận thành ống nhang, nhưng không phổ biến.

- Đài tam sơn: là một bục nhỏ, ngang một tấc, dài ba tấc, bậc giữa cao hơn hết, bằng gỗ tròn hoặc cẩn ốc, đặt phía trước bộ lư, đây là nơi bày chung rượu, tách trà, dĩa trầu cau… Thỉnh thoảng, trên bàn thờ, còn có cặp hạc nhỏ bằng đồng, trên mỏ hạc, có chỗ để cắm đèn cầy. Cần kể thêm cặp đồ "Lỗ bộ bát bửu", tức là loại binh khí như đao, thương, giáo… Ngày nay, ít ai còn lập bài vị bằng chữ nho, thường thay vào bằng chân dung cha mẹ rọi lớn. Các loại trái cây được chưng, tùy số loại nhiều ít mà gọi "tam sư", "ngũ sư" hoặc "thất sư". Lại nói thêm: ở sát vách lụa, bên sau bàn thờ, trang trí các bức tranh thờ, hầu hết là tranh sơn thủy, vẽ từ sau mặt kiếng, với phong cảnh sông núi, đồng quê, công cha nghĩa mẹ, kèm theo hai bên bức tranh là đôi câu đối liễn, nội dung như: "Tổ tông công đức thiên niên thạnh - Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh". Hoặc: "Phụ nghĩa sinh thành sơn nhạc trọng - Mẫu ân cúc dục hải hà thâm". Và các bức hoành phi gắn trên các cây xiêng nhà, có ba hoặc bốn chữ đại tự như: "Quang thế trạch - Chấn gia hưng - Phước mãn đường - Bá thế bất thiên"… Trên cột cái nhà có các đôi liễn, hoặc bằng gỗ quý, hoặc bằng nguyên thân dừa xẻ đôi, bào láng, khắc chữ chìm, sơn son thếp vàng, nội dung ca tụng công đức tổ tiên, răn dạy con cháu điều hay, lẽ phải(5).

Ngoài những ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được tổ chức vào các ngày đầu năm của dịp Tết. Tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, nhiều người xem là đạo - đạo thờ ông bà, đạo làm con.l

---------------------

 [1] Dẫn theo Huyền Giang (2000), Thờ cúng tổ tiên, một nét đậm trong đời sống tâm linh người Việt, in trong cuốn Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.443.

[2] Huyền Giang, Sđd, tr.444-445.

[3] Huyền Giang, Sđd, tr.454-455.

[4] Phan Kế Bính (1999), Việt Nam phong tục, Nxb TP Hồ Chí Minh, tr.18-19.

[5] Võ Văn Sổ (1999), Bàn thờ Tết ở Nam Bộ,
Tạp chí Xưa và Nay số Xuân.

Trần Kiều Quang

Chia sẻ bài viết