05/11/2014 - 21:12

Từ nhiễm khuẩn đường sinh sản đến ung thư cổ tử cung

Nhiều chị em mắc một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, tưởng đơn giản nên không quan tâm điều trị sớm, dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, tiềm ẩn nguy cơ ung thư cổ tử cung. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ khuyến cáo, chị em cần tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm, đạt hiệu quả, tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Chị Trần Ngọc Hà (38 tuổi, ở phường An Thới, quận Bình Thủy) cho biết: “Trước đây, tôi không có điều kiện quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nghe nói các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm, dễ có nguy cơ dẫn đến ung thư nên tôi chủ động thăm khám để phát hiện, chữa trị bệnh sớm, giữ gìn sức khỏe bản thân và hạnh phúc gia đình”.

Hiện nay, các kỹ thuật hiện đại có thể giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý
về sức khỏe sinh sản.  

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chị em thường gặp một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Thứ nhất, nhiễm các loại vi trùng thông thường do tạp trùng, nấm candida albican; thứ hai là nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (viêm do Trichomonas vaginalis, viêm do lậu, giang mai, viêm do virus HPV (Human Papilloma virus), Herpes simplex, HIV/AIDS. Các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thường gặp triệu chứng khí hư. Tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh mà khí hư có tính chất khác nhau. Những trường hợp viêm do tạp trùng hay các trường hợp mãn tính khí hư kéo dài, không có triệu chứng gì thêm gây khó chịu nên chị em thường bỏ qua, không khám phụ khoa và điều trị. Những trường hợp điều trị không tuân thủ phác đồ, tự điều trị không theo hướng dẫn của cán bộ y tế, dễ dẫn đến bệnh mãn tính và lờn thuốc. Những trường hợp bệnh lây truyền qua đường tình dục, nếu không điều trị cho bạn tình sẽ lây cho nhau và bệnh không điều trị khỏi.

Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường sinh sản có liên hệ nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung được xác định là do nhiễm HPV, loại virus có tỷ lệ lây nhiễm cao qua đường tình dục, là một loại nhiễm trùng phổ biến nhất đối với phụ nữ. HPV có khoảng 30 type gây bệnh đối với đường sinh dục, trong đó có 2 loại gây ung thư cổ tử cung là type 16 và 18. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HPV gây viêm nhiễm tại chỗ và một số cơ quan khác của cơ thể; tuy nhiên, những biểu hiện viêm thường không rõ ràng nên hầu hết bị bỏ qua. Cứ 10 phụ nữ, có 1 người nhiễm HPV. Qua 2 - 3 năm, HPV gây biến đổi bất thường tế bào niêm mạc cổ tử cung. Những biến đổi bất thường này khi gặp điều kiện thuận lợi, tổn thương ban đầu tiến triển trong 10 – 20 năm, qua các giai đoạn tăng sản tế bào biểu mô, hình thành ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn có những yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh như: giao hợp sớm, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người đàn ông có bạn tình bị ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, gái mại dâm có tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao gấp 4 lần so với phụ nữ không sinh đẻ; nhiễm Herpes Simplex; suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV. Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính thường gặp nhất ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú, thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị, có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc - xin cho phụ nữ chưa có quan hệ tình dục. Triệu chứng lâm sàng của ung thư cổ tử cung gồm các dấu hiệu: sụt cân, thiếu máu, sưng hạch bẹn, phù chân. Qua thăm khám, cán bộ y tế nhìn thấy hình ảnh tổn thương dạng u sùi cổ tử cung. Bệnh được chia làm các giai đoạn: ung thư cổ tử cung giai đoạn khu trú hoặc ung thư xâm lấn ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện bệnh qua sàng lọc tế bào học. Giai đoạn nặng với triệu chứng ra huyết bất thường hoặc ra khí hư; đau lưng, phù chân do tắc mạch bạch huyết, rối loạn chức năng trực tràng, tiểu khó, nước tiểu có máu.

Hiệu quả điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, có thể ngăn chặn được sự lan tràn của tế bào ung thư đến các bộ phận khác trong cơ thể, để kéo dài cuộc sống. Hiện tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ liên kết với Trung tâm Nghiên cứu dân số và sức khỏe nông thôn Trường Đại học Y Thái Bình thực hiện giai đoạn II của Dự án Tăng cường nhận thức của phụ nữ về tầm soát ung thư cổ tử cung, kết hợp hỗ trợ sàng lọc, phòng ngừa và điều trị ca bệnh, được sự tài trợ của Quỹ Phòng, chống ung thư cổ tử cung Úc thực hiện ở 3 huyện: Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền.

Để giữ gìn sức khỏe bản thân, bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm khuyến cáo, chị em nên chủ động kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ 1 lần/năm và thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư như: VIA, Pap’smear, soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung. Chị em có thể đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ để được phục vụ các dịch vụ kỹ thuật trên. Hiện nay, các trạm y tế xã, phường đều có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ thực hiện khám, tư vấn và điều trị các bệnh phụ khoa. Riêng tầm soát ung thư cổ tử cung, cán bộ trạm y tế thực hiện phết tế bào âm đạo, gởi mẫu đến Bệnh viện đa khoa quận, huyện nhuộm đọc lam phết tế bào, giúp phát hiện bệnh sớm, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em tại tuyến y tế cơ sở, vừa giảm chi phí khám chữa bệnh, vừa giảm tải cho tuyến trên.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết