04/05/2012 - 13:59

Từ người làm thuê đến chủ vựa cá khô biên giới

Ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú (tỉnh An Giang) ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, chỉ cách nước bạn bằng con sông Bình Di. Thương lái ở đây chuyên mua nguyên liệu cá sặt rằn, từ Campuchia, Thái Lan về làm khô bỏ mối. Trong đó, có bà Trình Thị Thu, 56 tuổi, là chủ của một trong số những vựa thu mua cá nguyên liệu - cung cấp cá khô sặt rằn với số lượng lớn nhất ở Khánh An. Có lẽ ít người biết trước đây bà Thu đã ra đi lập nghiệp bằng công việc làm cá khô thuê...

Năm 2005, hạnh phúc gia đình tan vỡ, bà Thu chia tay chồng, hai người con dâu cũng chia tay hai con trai của bà. Từ giã ngôi nhà thân yêu gần hơn ba mươi năm chung sống, bà dẫn hai con dâu và 2 cháu nội tay trắng ra đi quyết chí lập cuộc đời mới. Bà Thu vừa là mẹ chồng vừa là bạn của hai con dâu. Họ thương yêu đùm bọc, nương tựa vào nhau trong cảnh không nhà.

Để có tiền nuôi 5 miệng ăn, bà Thu và 2 người con dâu tìm mối nhận làm cá khô thuê. Do thuở nhỏ, bà Thu chuyên làm mắm cá linh, từ khi lấy chồng, tảo tần nuôi con, nhiều năm bà còn làm cá khô bỏ mối. Cho nên, công việc này đối với bà không mấy khó khăn, dù rất nhọc công. Lúc đó, bà và các con ăn uống tiện tặn, tích góp dần để có số vốn nho nhỏ làm khô gia công, ban đầu chỉ dám nhận số ít, về sau số lượng dần tăng lên. Bởi vì, con cá khô do bà làm có màu đen bóng, không mặn, trong bụng con khô đều mang cục mỡ tan dần ngấm vào thịt cá nhỏ xuống bếp than, bốc mùi thơm hấp dẫn. Vốn được sinh ra và ở trên đất bạn Campuchia nhiều năm nên bà Thu rất giỏi tiếng Campuchia. Nhờ lợi thế này mà bà Thu thành công trong giao thiệp mua cá nguyên liệu ở biên giới.

Sống trong cảnh cơ cực, nhưng tay nghề làm con cá khô sặc rằn thì chẳng chịu nhường ai, nhờ vậy mà mấy mẹ con bà có cuộc sống đắp đỗi. Ông trời cũng không bít đường, cơ hội vàng đã đến với bà. Vào một ngày đầu thu, có hai người Campuchia đến gặp bà cùng bàn bạc chuyện làm ăn. Cảm thông hoàn cảnh khó khăn của bà, nếu bà làm ăn giữ chữ tín thì họ sẽ bán chịu nguyên liệu cá sặt rằn Thái Lan với số lượng lớn, sau khi giao khô phải trả tiền sòng phẳng. Bà Thu cùng con dâu quá đỗi vui mừng, như bếp lửa ấm nồng đặt vào căn chòi quá ư lạnh lẽo. Ba mẹ con chia nhau đảm trách công việc, bà dạy con dâu rạch ròi khâu kỹ thuật làm khô, còn bà lo chạy làm lái hai đầu vừa cá nguyên liệu trên đất bạn vừa bỏ mối khô ở thành phố. Cùng thời điểm này, sạp khô Lan Vinh ở TP Hồ Chí Minh đã biết tay nghề của bà Thu nên số lượng đặt hàng cá khô do bà làm cũng khá lớn. Cảm thông cho hoàn cảnh của mấy mẹ con bà Thu, chủ sạp khô Lan Vinh đã tạo điều kiện cho bà mượn tiền mua đất, làm nhà, có sân phơi cạnh dòng sông Bình Di rất tiện lợi vận chuyển mặt hàng cá khô bằng đường thủy lẫn đường bộ ngay trên làng khô An Hòa.

Sân phơi khô cá sặt rằn của bà Trình Thị Thu.

Sau khi cùng nhau hợp tác làm ăn, bà Thu giữ chữ tín, người bạn Campuchia giao cá nguyên liệu từ Thái Lan đều đặn cho bà, cứ cách một hai ngày là 3 - 5 tấn, có khi giao liên tục số tiền lên đến vài tỉ đồng. Riêng bà Thu giải quyết đều đặn cho “ra lò” mỗi ngày 1,5 tấn - 2 tấn khô. Gặp lúc cá nguyên liệu về nhiều tăng lên 5 - 7 tấn, có khi bà Thu phải đi vay mượn để trả đúng hẹn. Vốn rất nhạy bén trong kinh doanh và sắp xếp công việc rạch ròi, cùng với cơ may gặp những mối làm ăn tốt bụng nên việc sản xuất kinh doanh cá khô của bà Thu ngày càng phát đạt. Với nụ cười thật hiền, bà Thu chỉ ghe cá nguyên liệu vừa chở về 3 tấn cá, tính cho chúng tôi nghe về chi phí sản xuất: “Tiền công nhân bốc vác một triệu rưỡi; công nhân đánh vảy, mổ bụng cá một triệu; công nhân phơi cá một triệu đồng, tiền xe ba gác chở khô ra xe...”. Thế là ghe chở cá nguyên liệu về, xe đều đặn chở khô lên TP Hồ Chí Minh. Cá khô được tung ra khắp nơi.

Ở Khánh An điều kiện tự nhiên trái ngược, không nuôi cá, vậy là cá ở nước bạn nhập về cung ứng cho làng nghề làm cá khô. Để làm ra con cá khô ngon phải có muối đen mua từ Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Làng khô xóm bãi ở sát biên giới chịu cái nắng oi bức trong mùa khô hạn. Còn mùa nước lên, tất cả ngập chìm trong nước, duy chỉ có những giàn cá phơi khô bện bằng cây tầm vông nhô cao để giải quyết cơm áo cho bà con. Trong các loại khô cá thì khô cá sặt rằn là cao giá nhất, chính vì vậy mà khâu kỹ thuật làm, phơi và bảo quản cá khô rất quan trọng. Cô Nguyễn Thị Huệ, con dâu bà Thu, đảm trách kỹ thuật, cho biết: Cá muối 2 đêm thật mặn, sau đó rửa thật sạch, nếu rửa không sạch sau này cá mặn nổi trắng lên không bán được, nếu muối không ăn, cá phì lên là hết vốn. Phơi cá 2 nắng, nắng không tốt thì hôi khô. Mùa mưa phải thức sáng đêm, nếu mưa suốt ngày không nắng phải đem khô vào bọc bỏ thùng đông lạnh, chờ nắng tốt rửa lại đem phơi. Để có một ký cá khô phải có từ 2,2 - 2,5 ký nguyên liệu cá tươi. Khô Khánh An nổi tiếng là khô hảo hạng, lớn con, màu đen bóng, thơm ngon, có mỡ cá nhiều, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và nhiều nước trên thế giới biết đến.

Qua 7 năm dãi dầu mưa nắng với con cá khô biên giới, bà Thu từ hai bàn tay trắng nay đã trở thành chủ vựa vừa thu mua, vừa bỏ mối cá khô có tiếng ở vùng biên giới, với cơ ngơi nhà cửa, cơ sở sản xuất chế biến khang trang, nuôi hai cháu nội ăn học đàng hoàng.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐẠT

Chia sẻ bài viết