Tại TP Cần Thơ, công nghệ tự động hóa được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực và quy mô, nhằm giảm nhân lực, thời gian, tiết kiệm chi phí và hạn chế sai sót trong sản xuất, chế biến, quản lý… Từ người nông dân, cơ sở sản xuất nhỏ hay doanh nghiệp lớn, tất cả đều tiếp cận và ứng dụng công nghệ này. Câu chuyện về tự động hóa vì vậy dần gần gũi và phổ biến trong đời sống lao động, sản xuất.
Kỹ sư của nông dân
Ông Lê Văn Sĩ, kinh doanh lúa gạo ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, hào hứng: “Thiết bị tự động “đã” lắm, mọi công đoạn nhanh gọn mà tiết kiệm chi phí”. Điển hình như máy xúc lúa vào bao, ông Sĩ mua và sử dụng hơn 4 năm qua. Trung bình máy có thể xúc 30- 40 tấn lúa/ngày mà chỉ cần 1-2 người điều khiển, sắp xếp; trong khi trước kia với khối lượng ấy, ông phải thuê 10 nhân công. Ông Sĩ và nhiều nông hộ khác còn sử dụng dụng cụ tỉa hạt, máy gieo hạt bắp (đậu) đẩy tay siêu tốc…
Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm giới thiệu các bộ phận dùng để chế tạo thiết bị phun xịt thuốc bảo vệ thực vật di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa. Ảnh: Lệ Thu
Đó là những loại máy do kỹ sư Hoàng Thanh Liêm, sinh năm 1965, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Liêm, ở xã Tân Thành, huyện Thới Lai sáng chế và sản xuất. Gắn bó với đồng ruộng, với nông dân, anh Liêm luôn trăn trở khi thấy nông dân làm ra hạt lúa quá vất vả bởi hầu như mọi công đoạn đều là thủ công. Năm 2005, anh nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm đầu tiên: dụng cụ tra hạt, tỉa hạt. Đến nay, đây vẫn là sản phẩm ưa chuộng của nông dân khắp cả nước với sức mua khoảng 1.000 dụng cụ/năm… Từ đó đến nay, anh nghiên cứu, sản xuất máy xúc lúa (hoặc cà phê, các loại hạt) vào bao; máy vét bùn mini đa dụng…
Hiện anh Liêm có khoảng 14 sáng chế, giải pháp kỹ thuật đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đạt giải trong các Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật của thành phố. Mới đây nhất, anh cùng em trai là Hoàng Quốc Trung đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2019 với thiết bị phun xịt thuốc bảo vệ thực vật di chuyển trên cáp dẫn điều khiển từ xa. Anh Liêm chia sẻ: “Năm 2018, ở xã tôi có một nông dân khi đi xịt thuốc ở ruộng thì bị đột tử. Điều đó càng thôi thúc tôi nghiên cứu, làm ra thiết bị này, nhằm hạn chế thấp nhất những tác động độc hại của thuốc bảo vệ thực vật đến nông dân. Hiện thiết bị này chỉ mới là sản phẩm khoa học, chưa ứng dụng vào thực tế. Tôi đang đầu tư dây chuyền để sản xuất thử nghiệm, để dần hoàn thiện và sản xuất đại trà”.
IoT cho mọi nhà
Hệ thống tưới nước tự động điều khiển từ xa tại 2 vườn trồng cam xoàn diện tích 12.000m2 của ông Đoàn Văn Chuộng, ở khu vực Thới Ninh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, là một minh chứng đầy thuyết phục về lợi ích của giải pháp nông nghiệp thông minh. Chỉ với điện thoại di động có sim kết nối với thiết bị điều khiển từ xa, chủ vườn có thể bật chế độ tưới dù đang ở bất cứ nơi đâu. Ông Chuộng khoe: “Chi phí đầu tư thiết bị E-pump này chưa đến 2 triệu đồng; nhưng đã giúp tôi tiết kiệm điện, thời gian và công sức”.
Lắp đặt thiết bị giám sát chất lượng nước tự động qua Internet ao nuôi cá tra tại Trà Ôn - Vĩnh Long. Ảnh: Công ty cung cấp
E-pump là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Công ty TNHH MTV công nghệ EPLUSI, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Mới thành lập năm 2016, nhưng EPLUSI nhanh chóng khẳng định vị thế qua lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm cảm biến không dây, điều khiển từ xa, phục vụ nông nghiệp, thủy sản, kho chứa hàng hóa… theo ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things - Internet của vạn vật). Nghĩa là tất cả các thiết bị đều được giám sát, điều khiển bằng máy tính và điện thoại thông minh qua Internet.
Năm 2019, EPLUSI nghiên cứu và sản xuất thành công 2 sản phẩm mới. Đó là thiết bị cảm biến đo mức nước để phục vụ canh tác lúa thông minh và thiết bị giám sát nhiệt độ, độ ẩm không dây dùng trong các nhà xưởng, kho chứa hàng hóa. Các thiết bị này sẽ truyền dữ liệu lên mạng Internet qua sóng wifi hoặc 3G, giúp người sử dụng có thể giám sát và điều khiển các thông số cần thiết qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hiện thiết bị cảm biến đo mức nước được cung cấp cho dự án của Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Nhật Bản thực hiện canh tác lúa thông minh chống biến đổi khí hậu; cung cấp cho các cơ quan khí tượng, phục vụ giám sát mực nước sông, để cảnh báo triều cường. Thiết bị giám sát độ ẩm không dây được nhiều công ty, tập đoàn lớn đặt hàng và sử dụng.
Anh Đặng Vũ Minh Dũng, Giám đốc Công ty EPLUSI, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là mang công nghệ đến với mọi người, mọi doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực theo hướng hiện đại, tiện lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Công ty sẽ nghiên cứu thêm một số thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí, phục vụ giám sát mức độ ô nhiễm môi trường”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công nghệ mới
Công ty Thép Tây Đô là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong đầu tư, ứng dụng các thiết bị tự động hóa. Năm 2016, công ty thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ điều khiển bằng máy tính (CNC) gia công trục cán tinh trong quy trình sản xuất thép xây dựng”. Dự án nằm trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, thiết bị của TP Cần Thơ. Với tổng kinh phí đầu tư 1,1 tỉ đồng (trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 300 triệu đồng), Công ty Thép Tây Đô đã đầu tư mua máy phay gân và logo CNC WXK-500C, được vận hành bằng phần mềm đã lập trình trên máy tính. Từ đó đến nay, công ty tự phay các lỗ hình, logo, gân trên sản phẩm trục cán tinh, thay vì gửi lên TP Hồ Chí Minh để gia công như trước đây. Sản phẩm thép thanh vằn và thép cuộn tạo ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ứng dụng công nghệ điều khiển bằng máy tính (CNC) gia công trục cán tinh trong quy trình sản xuất thép xây dựng tại Công ty Thép Tây Đô. Ảnh: Lệ Thu
Ông Trần Đức Tuấn, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Công ty Thép Tây Đô, cho biết: “Từ khi được trang bị máy mới, công ty đã đủ năng lực sản xuất từ khâu đầu tiên đến cuối cùng, tiết kiệm trên 50% chi phí. Ngoài ra, khi chủ động sản xuất, công ty còn giảm được chi phí phải dự phòng số trục cán từ 26 bộ xuống còn 16 bộ, tiết kiệm khoảng 590 triệu đồng/năm”.
Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, công ty còn nhận gia công. Do đó, dự án đã thu hồi vốn đầu tư và sinh lời. Đặc biệt, máy ứng dụng công nghệ cao, không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường. Các phế thải từ máy phay CNC được thu hồi và tái sử dụng. Dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của Thép Tây Đô khi công ty nâng sản lượng trung bình từ 6.000 tấn/ tháng lên 8.000 tấn/tháng.
***
Tự động hóa đang là xu hướng tất yếu của cuộc sống hiện đại và cuộc cách mạng 4.0. Tâm huyết của những kỹ sư, nhà nghiên cứu; sự nắm bắt và đáp ứng thị trường của các doanh nghiệp công nghệ; sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị sản xuất, kinh doanh... đã và đang góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành lực tác động quan trọng trong phát triển kinh tế của TP Cần Thơ.
LỆ THU