TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Ðài Loan (TSMC) hôm 6-12 thông báo tăng gấp 3 lần khoản đầu tư, từ con số 12 tỉ USD lên 40 tỉ USD để mở rộng, nâng cấp một trung tâm sản xuất chất bán dẫn ở Phoenix, thành phố lớn nhất của tiểu bang Arizona (Mỹ) và xây dựng nhà máy thứ hai tại đây. Việc TSMC mở rộng đầu tư tại Mỹ được cho là thắng lợi của Tổng thống Joe Biden sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến kinh tế xứ cờ hoa bị đình trệ trong thời gian đầu ông mới nắm quyền và đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và cho cả TSMC.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đi thăm nhà máy chip đầu tiên của TSMC ở thành phố Phoenix hôm 6-12. Ảnh: AP
Theo tờ Nhật báo phố Wall (WSJ), đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của TSMC bên ngoài vùng lãnh thổ Đài Loan. Với số tiền “khủng” nói trên, TSMC có kế hoạch nhập khẩu công nghệ sản xuất tiên tiến mà phần lớn chỉ giới hạn ở các nhà máy của họ tại Đài Loan, qua đó có thể cho phép nhà máy ở Phoenix sản xuất chip cho iPhone. Với lần nâng cấp này, nhà máy ở Phoenix vốn ban đầu được cho chỉ sản xuất chip với công nghệ 5 nanomet (nm) cũng sẽ sản xuất chip 4nm và dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2024 với tốc độ 20.000 tấm wafer/tháng.
Nhà máy chip đầu tiên của TSMC đã bắt đầu xây dựng năm 2021 và kế hoạch xây dựng một nhà máy chip thứ hai sẽ được trang bị các công nghệ sản xuất tiên tiến hơn nữa, nhắm đến điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị thông minh khác trong tương lai. WSJ cho hay, nhà máy sẽ được xây dựng ngay trong năm 2023 và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2026, chuyên sản xuất chip 3nm, tương đương với chip nhỏ nhất và nhanh nhất hiện nay với tốc độ 30.000 tấm wafer/tháng. Loại chip này mới được công ty đưa vào sản xuất tại Đài Loan và được giới thiệu là “dẫn đầu ít nhất 2 thế hệ” trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Ronnie Chatterji, quyền phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia về Chính sách Công nghiệp, cho rằng một khi các nhà máy của TSMC mở cửa, họ sẽ sản xuất đủ chip để đáp ứng nhu cầu hàng năm của Mỹ, lên tới 600.000 tấm wafer mỗi năm. Trong khi đó, Chủ tịch TSMC Mark Liu, ước tính doanh thu hàng năm của TSMC sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD khi 2 nhà máy sản xuất chip của tập đoàn này tại Mỹ đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, trong khi các khách hàng sử dụng chip mà TSMC sản xuất tại Mỹ có thể đạt doanh thu hàng năm lên tới 40 tỉ USD. Ông Liu cho rằng các nhà máy sản xuất này có thể tạo ra 13.000 việc làm công nghệ cao.
Kế hoạch nói trên của TSMC là dấu hiệu mới nhất cho thấy những lo ngại về địa chính trị đang khiến các công ty và chính phủ phải sửa đổi các chiến lược lâu dài, chống lại các xu hướng lịch sử vốn khiến các công ty chuyển phần lớn hoạt động sản xuất chất bán dẫn sang châu Á. Song, chưa dừng lại đó, TSMC trong vòng 10-15 năm tới được cho là có kế hoạch xây dựng thêm 6 nhà máy ở Arizona, tiếp tục mở rộng hoạt động ở Đài Loan và có thể gia tăng quy mô sản xuất ở Nhật Bản, Singapore và châu Âu. Hiện TSMC đang giới thiệu công nghệ xử lý 3nm tại Đài Loan và có kế hoạch sản xuất ở quy trình 2nm vào năm 2025, một năm trước khi bắt đầu sản xuất ở quy trình 3nm tại bang Arizona. Chính vì lý do này mà các sản phẩm hàng đầu của Apple, Nvidia cũng như của các công ty thiết kế vi mạch khác của Mỹ và thậm chí cả Intel có thể sẽ được sản xuất tại Đài Loan trong nhiều năm tới.
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất và sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã đẩy mạnh các kế hoạch sản xuất tại Mỹ với sự khuyến khích từ chính quyền ông Biden. Việc TSMC đặt cược vào việc sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ diễn ra sau khi Washington đồng ý cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn các ưu đãi sinh lợi theo luật được thông qua trong năm nay. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà sản xuất Trung Quốc khi việc đóng cửa tại nước này dẫn đến tình trạng thiếu chip công nghệ cao trên toàn cầu. Vì thế hồi tháng 8 vừa qua, ông Biden đã ký thành Đạo luật Khoa học và Chip trị giá 280 tỉ USD, trong đó có 52 tỉ USD cho ngành chip nhằm thu hút các nhà sản xuất sản xuất chip được sử dụng rộng rãi trong nước và 200 tỉ USD cho nghiên cứu khoa học. Mỹ cũng đã chi hàng chục tỉ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.
Thị phần của Mỹ trong sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn khoảng 12% hiện nay. Với sự đầu tư của TSMC, thị phần của Mỹ trong lĩnh vực này có khả năng phục hồi một phần nhưng có lẽ chỉ là vài % bởi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.