29/10/2010 - 20:50

Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường trong các trường THCS và THPT

Gần đây, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, mang tính chất phức tạp. Phần lớn học sinh có ý thức đạo đức tốt, chủ động, tích cực trong học tập và rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa nhận thức và có hành vi đúng đắn, thích thể hiện bản thân một cách thái hóa, thiếu khả năng kiềm chế và ứng xử không đúng với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, dẫn đến xô xát nhau. Đây là vấn đề đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm...

Từ thực tế trên, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tài trợ Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình”, do Hội LHPN TP Cần Thơ làm chủ dự án đã kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ninh Kiều, huyện Vĩnh Thạnh và Ban Giám hiệu (BGH) các trường THCS và THPT tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và quyền trẻ em lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Qua đó, nêu những thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục trong việc phòng, chống bạo lực học đường, nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, bạo lực học đường và quyền trẻ em cho cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh, thầy cô giáo và bậc phụ huynh. Điểm mới trong công tác này là Ban Quản lý dự án đã kết hợp với Phòng GD& ĐT quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh, tổ chức thành công Hội thi “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường” tại các trường: THCS Huỳnh Thúc Kháng, THPT Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều), THCS Thạnh Lộc, THPT Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh). Qua đó, đã nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học và quyền trẻ em cho cộng đồng, nhất là giáo viên, phụ huynh và học sinh ở các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Cần Thơ.

 Các thí sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều)  thi diễn phần tiểu phẩm.

Hội thi “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường” là sân chơi bổ ích giúp học sinh có điều kiện thi tài trong tìm hiểu kiến thức về nguyên nhân, thực trạng và tác hại của bạo lực học đường; Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em; Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới... trong trường học. Hội thi gồm có 3 phần: tự giới thiệu, thi kiến thức (trả lời câu hỏi bắt buộc và xử lý tình huống), phần thi năng khiếu (biểu diễn tiểu phẩm hoặc bài hát về chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và quyền trẻ em). Hội thi đã mang đến cho giáo viên, học sinh và cổ động viên nhiều tiểu phẩm ấn tượng đi vào lòng người bằng những câu chuyện sát với thực tiễn cuộc sống, do học sinh tự sáng tác, dàn dựng và biểu diễn hết sức công phu. Điển hình như tiểu phẩm “Đừng im lặng” của học sinh lớp 12C, Trường THPT Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều) đã xuất sắc giành giải Nhất hội thi “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường”, hay tiểu phẩm “Cha ơi! Xon muốn đi học” của học sinh Đội Thiên Thần Nhí (thuộc Trường THCS Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh) đạt giải Nhất... Thông qua các vai diễn giúp học sinh nắm bắt được kỹ năng xử lý các tình huống thực tế trong cuộc sống, thường xảy ra giữa học sinh với nhau, giữa thầy cô giáo và học sinh trong trường... sẽ là hành trang giúp các em tự bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực gia đình cũng như trong trường học, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại TP Cần Thơ.

Bà Lê Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trường THPT Phan Ngọc Hiển, quận Ninh Kiều, cho biết: “Sau khi có thỏa thuận giữa Hội LHPN TP Cần Thơ với BGH Trường THPT Phan Ngọc Hiển trong thực hiện chiến dịch “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường” (tổ chức ở các Trường THCS và THPT thuộc quận Ninh Kiều), chúng tôi khẩn trương triển khai đến các lớp tự xây dựng kịch bản viết tiểu phẩm (chỉ trong 1 tuần) và cố gắng tập dợt (1 tuần) để kịp tham gia hội thi đúng thời gian quy định... Đồng thời, huy động tất cả học sinh ở các lớp có học sinh tham dự hội thi đến cổ động. Nhiều tiểu phẩm có nội dung mang tính giáo dục khá cao như: phê phán, bài trừ hành vi đánh nhau trong trường học cùng với sự diễn xuất một cách xuất sắc của các diễn viên không chuyên đã nâng cao được nhận thức về bạo lực học đường, giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm hơn và xử lý tình huống một cách phù hợp với thực tiễn cuộc sống”.

Ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình” (thuộc Hội LHPN TP Cần Thơ) còn tổ chức nhiều đợt truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và phát tài liệu tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của hành vi bạo lực gia đình, bạo lực học đường... tại các trường THCS, THPT trên địa bàn triển khai dự án, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Đồng thời, cũng là dịp để học sinh thể hiện sự hiểu biết pháp luật và năng khiếu của mình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường... Thông qua các buổi truyền thông cũng như việc phối hợp tổ chức hội thi “Truyền thông phòng, chống bạo lực học đường” đã tác động sâu rộng đến nhận thức của giáo viên và học sinh về ý thức ngăn ngừa và phòng, chống bạo lực trong trường học bằng những việc làm cụ thể như: khuyên ngăn bạn không bạo lực (đánh nhau), báo cáo kịp thời với ban giám hiệu trường, giáo viên chủ nhiệm lớp và gia đình, để có biện pháp xử lý các hành vi gây ra bạo lực trong trường học...

Để ngăn chặn nạn bạo lực học đường, sắp tới rất cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc định hướng văn hóa, nhận thức, ứng xử, hành vi tích cực nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tính cách, tâm hồn và việc học tập của đội ngũ thanh thiếu niên- người chủ tương lai của đất nước. Bà Huỳnh Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, Trưởng ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình” thành phố, cho biết: “Những năm gần đây, nhiều vụ xô xát, đâm chém nhau trong trường học, vi phạm pháp luật do học sinh gây ra có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, qua triển khai công tác phòng, chống bạo lực học đường tại 4 điểm trường đã mang hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người về phòng, chống bạo lực học đường. Để phát huy hiệu quả đạt được, sắp tới, Ban Quản lý dự án sẽ duy trì hoạt động này, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 01 về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; thường xuyên phối hợp với công an, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong trường học dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Đồng thời, Ban Quản lý dự án tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em cũng như việc thực hiện chính sách an sinh xã hội...”.

Vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực học đường... không chỉ một mình Ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình” thực hiện mà rất cần có sự góp sức của học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là gia đình cần tăng cường giáo dục đạo đức con em, phải là chỗ dựa vững chắc về tình cảm, tinh thần; thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức, thường xuyên chú trọng việc giáo dục nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, nhằm góp phần hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường và qua đó, giữ vững an ninh trật tự trong trường học.

Bài, ảnh: X.ĐÀO

Chia sẻ bài viết