12/11/2017 - 15:07

Truyền cảm hứng cho doanh nghiệp

Hội nghị đầu tư thường niên vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, các địa phương trong vùng đưa ra 78 dự án mời gọi, tổng vốn đầu tư gần 160.000 tỉ đồng. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch và hạ tầng thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông... Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, môi trường kinh doanh, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông trong vùng đã có nhiều cải thiện so với trước. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư hiệu quả, các địa phương trong vùng cần xác định cụ thể hơn thế mạnh dựa trên từng tiểu vùng và đặt trong tương quan vùng, tương quan trong khu vực để xây dựng dự án mời gọi. Vấn đề giá đất, môi trường đầu tư, nguồn lao động, nguyên liệu... có ý nghĩa rất lớn đối với quyết định của nhà đầu tư, nhưng thị trường đầu ra và khả năng lan tỏa, kết nối thị trường khu vực mới là mấu chốt để doanh nghiệp (DN) quyết định đầu tư. Đồng thời, ĐBSCL cần có chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của DN trong vùng để có thể làm đối tác hợp tác với DN, nhà đầu tư đến từ bên ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2017, cả nước có 105.125 DN thành lập mới, vốn đăng ký 1.021.920 tỉ đồng, tăng 14,6% về số DN và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 7.513 DN, chiếm 7,1% tổng số DN thành lập mới cả nước; vốn đăng ký 53.649 tỉ đồng, chiếm 5,2% vốn đăng ký mới (đạt bình quân 7,1 tỉ đồng/DN). Trong 10 tháng, tỷ lệ DN  quay trở lại hoạt động của ĐBSCL chỉ 1.740 DN, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Số DN tạm ngừng hoạt động tăng 9,3% so với cùng kỳ, với 1.121 DN; số DN hoàn tất thủ tục giải thể vùng tăng 11,7% với 1.571 DN... Nhiều ý kiến cho rằng, DN hoạt động tại vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế về năng lực quản trị, khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, cơ cấu sản phẩm thiếu tính đa dạng nên việc cạnh tranh trên thương trường gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, việc truyền cảm hứng cho DN để giúp DN đổi mới, sáng tạo và tăng năng lực cạnh tranh là vấn đề cấp thiết của các địa phương vùng ĐBSCL. Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, đổi mới, sáng tạo để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2017. Trong đó, yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất cho vay, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng tín dụng. Vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là “nút thắt” đối với DN vùng ĐBSCL. Theo nhận định của nhiều DN, việc tiếp cận vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn, lãi suất vay giảm, DN khá thuận lợi nhưng DN cần sự thấu hiểu từ ngân hàng trong cơ cấu thời hạn vay để DN có thể đầu tư dài hạn, chứ không chỉ vay để giải quyết khó khăn trước mắt. Có như vậy, DN mới an tâm để đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo liên kết để thúc đẩy hợp tác.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết