24/06/2017 - 08:51

Trường điển hình đổi mới

Sau 2 tháng (bắt đầu từ tháng 4-2017) triển khai xây dựng mô hình Trường điển hình đổi mới, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) ghi nhận những tín hiệu tích cực trong thái độ, tư duy dạy và học. Đây là trường tiểu học đầu tiên của thành phố xây dựng mô hình này.

 Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền trong giờ học tiếng Anh theo phương pháp dạy học mới.

Giờ trải nghiệm năng khiếu của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Ngô Quyền diễn ra sôi động. Với trò chơi "Simone says", thầy Simone Grigolo (giáo viên người nước ngoài được nhà trường thỉnh giảng từ Trung tâm Anh ngữ AMA), lôi cuốn học sinh vào những bài tập nghe- nói, cũng như hình thành tư duy ngôn ngữ và phản xạ hoàn toàn trong môi trường tiếng Anh. Trong một tiết học, giáo viên sẽ tổ chức nhiều trò chơi: đua cá, đặt xúc xắc... để tất cả học sinh đều năng động, tham gia tích cực. Em Nguyễn Hoàng Châu Anh, học sinh lớp 3.7 hào hứng: "Con học nhiều từ mới, biết sử dụng từ và nhớ tại lớp luôn". Cô Mạc Thị Kiều Trinh, giáo viên dạy tiếng Anh của trường chia sẻ: "Với vai trò trợ giảng cho giáo viên nước ngoài, chúng tôi học được kỹ năng dạy và tổ chức trò chơi để học sinh nghe, nói, hiểu và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên. Còn học sinh tham gia lớp trải nghiệm có nhiều tiến bộ, dạn dĩ hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh". Để được tham gia lớp trải nghiệm này, học sinh phải kiểm tra đầu vào.

Trường điển hình đổi mới có mục tiêu chính là hình thành cách dạy học theo hướng lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo, năng lực của các em. Trên nguyên tắc đó, Trường Tiểu học Ngô Quyền tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng tạo cho học sinh không gian trải nghiệm, sáng tạo; bằng cách tổ chức các hoạt động bổ trợ việc giảng dạy và học tập trong buổi học thứ hai của ngày. Theo đó, buổi sáng giáo viên dạy theo chương trình, cùng các hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định. Buổi chiều có 3 tiết, trường dành 2 tiết cho các hoạt động trải nghiệm. Trong 2 tiết này, học sinh sẽ được chia nhóm vào các câu lạc bộ, hoạt động theo sở thích, sở trường, nhu cầu, năng lực cá nhân. Mỗi học sinh đăng ký từ 2 đến 3 hoạt động: Rèn kỹ năng nghe- nói tiếng Anh với người nước ngoài; rèn chữ viết; múa, hát; bồi dưỡng văn học tuổi thơ… Riêng học sinh không đăng ký hoạt động trải nghiệm, thì được chia lớp và phân công giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức. Qua hơn 2 tháng triển khai, mô hình nhận được đánh giá cao từ học sinh, phụ huynh cũng như đội ngũ giảng dạy. Bởi mô hình giáo dục này giúp học sinh năng động, chủ động trong học tập và phát huy năng lực bản thân. Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, cho biết: Ban đầu mô hình được thí điểm ở khối lớp 3 với 346 học sinh. Thời gian tới trường sẽ triển khai đến các khối từ 2 đến 5.

Trường điển hình đổi mới được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tập trung xây dựng, để triển khai những phương pháp dạy- học theo yêu cầu đổi mới của toàn ngành. Qua đó nâng cao chất lượng dạy và học; tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện trong chất lượng giáo dục các cấp học. Theo kế hoạch, năm 2017 thành phố xây dựng mỗi cấp học 1 Trường điển hình đổi mới (các bậc học khác là Trường Mầm non Hướng Dương (Ô Môn), THCS Châu Văn Liêm (Ô Môn), THPT Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy); từ đó nhân rộng ra toàn hệ thống giáo dục.

Để xây dựng Trường điển hình đổi mới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ hỗ trợ Trường Tiểu học Ngô Quyền nâng cao chất lượng quản lý và dạy học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên; mời chuyên gia tập huấn cho giáo viên về dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo năng lực, sở thích của học sinh như: STEM- ROBOTICS; thỉnh giảng giáo viên người nước ngoài dạy học sinh giao tiếp tiếng Anh; dạy bơi lội... Bên cạnh đó, ngành giáo dục thành phố cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo triển khai các hoạt động giáo dục theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm: bổ sung một số bàn ghế phù hợp phương pháp dạy- học mới; đầu tư thiết bị giáo dục; hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên người nước ngoài; kinh phí thêm giờ cho giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Tổng kinh phí đầu tư trong năm 2017 khoảng 2 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có các khoản đóng góp khác từ phía phụ huynh học sinh, do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ rót kinh phí cho trường trong 1 năm, những năm tiếp theo nhà trường phải huy động nguồn kinh phí từ cộng đồng, phụ huynh học sinh.

Từ những kinh nghiệm đạt được tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nhân rộng mô hình đến các trường tiểu học trong thành phố. Dự kiến đến năm 2020, thành phố có 10 trường tiểu học được đầu tư thực hiện Trường điển hình đổi mới.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết