Trương Chí Hùng là tác giả đang tạo được dấu ấn riêng với thể loại bút ký ở khu vực ĐBSCL. Tác giả sinh năm 1985 hiện là giảng viên Trường Đại học An Giang, dần khẳng định mình không chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà còn trong cả đời sống và văn chương.
Trương Chí Hùng trong ngày ra mắt sách “Man mác Vàm Nao” và “Trong sương thương má”. Ảnh: NVCC
Khởi đầu hành trình sáng tạo, anh bộc bạch mình qua những vần thơ. Thơ anh là một thế giới quan đa diện và sinh động. Nhưng có lúc, thơ anh cũng đầy suy tư, trầm lắng - như một phần không thể tách rời. Ở đó, hình bóng quê hương hiện lên quá đỗi thân thuộc nhưng mãi là những sự trăn trở không dứt. Đó là mảnh đất, vùng quê mà anh được sinh ra và lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất nhưng đầy ắp dư vị yêu thương. Để từ đó làm hành trang cho hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng.
“Giọng đặc sệt nước kinh rạch
Tôi bước từng bước rắn rỏi về phía phố”
(Đi tìm ngày mai)
Trên chuyến đi hướng đến viễn cảnh tươi sáng, đôi lần anh dừng lại với bao câu hỏi về ý nghĩa sống, niềm tin và những giá trị cốt lõi nhất của đời sống con người. Tất cả được anh thể hiện rõ trong tập thơ “Một nửa nhà quê” (NXB Hội Nhà văn, 2014). Có lúc, tác giả tự ví mình như:
Chú nghé khập khừng dò chân bước
Dòng suối trơ mình phô cạn kiệt trầm tư!
(Lạc bầy)
Có lẽ, vẫy vùng trong thế giới thơ chưa thỏa. Hay thơ chưa đủ không gian để chuyển tải hết trăn trở, bộn bề. Trương Chí Hùng lại dệt nên những mảnh ký ức đa thanh sắc qua từng trang văn. “Trong sương thương má” (NXB Kim Đồng, 2019) là tập tản văn được kết tinh lặng lẽ nhưng thấm thía. Những câu chuyện rất miền Tây, rất sông nước: “Những nghề hạ bạc”, “Khúc ca trên sông vắng”, “Thương cây lúa chét”, “Sân khấu ấu thơ”... hiện ra dung dị, đời thường và cũng thật đầm ấm, thiết tha qua lối kể riêng tư, mộc mạc. Trong đó, Trương Chí Hùng nặng lòng kể rằng: “Tôi ngụp lặn với tuổi thơ cùng bạn bè trong xóm, ngỡ rằng chọc trời khuấy nước chẳng ai hay. Rất lâu sau này tôi mới biết, ba má không ngừng dõi theo từng bước chân tôi, từ cánh đồng đến mái trường, từ góc quê lên thành phố. Tiếc là, khi tôi đủ trưởng thành để nhận ra điều đó, ba má đã già yếu rồi, tôi thì mải chạy theo những giấc mơ huyễn hoặc. Cho đến khi bông hồng trắng cài lên ngực vào một chiều quê tầm tã mưa...” (“Trong sương thương má”). Chính từ những tâm sự ấy, mà ẩn hiện trong suốt tập sách là những hoài niệm vui buồn xen lẫn nỗi ân hận của chính tác giả. Người mẹ chân quê, lam lũ quanh năm, chắt chiu nuôi một đàn con nheo nhóc, phút cuối đời lại là những cơn đau bệnh hành hạ, dày vò. Chiếc áo dài vàng được người thân may tặng, bà nâng niu như báu vật. Cả đời chỉ mặc được một vài lần. Để từ đó, tác giả khái quát nên câu chuyện hy sinh của bao người phụ nữ khác. Họ có thừa những năm tháng lam lũ, tần tảo nhưng ít ỏi, hiếm hoi những phút giây được tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.
|
Sau “Trong sương thương má”, Trương Chí Hùng lại gây bất ngờ về năng lượng sáng tạo dồi dào khi tiếp tục ra mắt tập bút ký “Man mác Vàm Nao” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019). Tuy ra mắt trong khoảng thời gian gần nhau, nhưng lại phác họa nên hai hình ảnh rõ nét trong cùng một nhân dạng: “hướng nội” và “hướng ngoại”. Một Trương Chí Hùng miên man cảm xúc với thể loại tản văn, chìm đắm trong hồi ức để góp nhặt từng mảnh ký ức. Song song đó, một Trương Chí Hùng hăm hở, phóng khoáng, nhạy bén qua những quan sát và chiêm nghiệm ở thể loại bút ký. Trong mỗi chuyến “xê dịch”, trải nghiệm qua những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, tác giả lại thấy phảng phất đâu đó một nơi chốn quen thuộc, những hình bóng quen thuộc. Có cảm tưởng tác giả nhìn đâu cũng thấy quê nhà. Trong những hành trình mới được ghi lại, vẫn không phai chất quê hiển hiện, bình dị và ấm áp. Đôi khi đẹp đến nao lòng. “Đò đêm Phú Đa chạy chầm chậm, len qua những bóng bần nhòa nhạt dưới vành trăng non đầu tháng. Mấy chị làm vườn về muộn đứng trò chuyện với nhau. Bà lão bán vé số kể bà rất sướng, đi bán xong rồi về nhà chẳng bao giờ con cháu cho làm động móng tay. Chị nọ bảo, con ráng mần vườn vài năm nữa kiếm vốn cất cái nhà cho hai đứa nhỏ ra riêng. Một anh dáng vẻ đang say, điện cho “chiến hữu” bảo, tao đang về đây, tình thương mến thương nghe, ừ, bữa nay chơi tới bến luôn. Rồi im lặng. Im lặng đến mức có thể nghe được tiếng thở của dòng sông.” (“Miên man Chợ Lách”). Đi thật xa, để trở về. Trang viết của Trương Chí Hùng như làm sống lại những vùng quê yên bình, đánh thức nơi thẳm sâu người đọc sự bình dị, thân thương nhất.
Sau những năm tháng mưu sinh miệt mài, trở về đứng trước ngọn gió đồng mát rượi, dừng chân nơi mặt sông lấp lóa ánh chiều, bỗng thấy mình được thứ tha, xoa dịu. Trương Chí Hùng tâm sự: “Tôi thích xê dịch, đôi chân luôn thèm hơi đất mới. Nhưng dù đi đến đâu, tôi vẫn không quên ngôi nhà tuổi thơ giữa mùa nước nổi, khung cảnh lúc hiền hòa lúc dữ dội khi tháng nước về, khúc sông má bơi xuồng chở tôi đi bán bông điên điển, không quên cái nền nhà ba vít đất đắp lên năm này qua tháng khác. Những lúc đang rong ruổi ở nơi xa xôi nào đó, tôi lại chợt thèm về quê, thèm nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành”. Trương Chí Hùng vẫn luôn mang những nỗi đau đáu hồn quê, tình quê.
Nguyễn Đức Phú Thọ