26/10/2019 - 14:20

Trước ngưỡng cửa hôn nhân... 

Bước vào hôn nhân, đối diện với nhiều vấn đề phát sinh: ở chung hay ở riêng sau ngày cưới, khi nào sinh con… khiến các cặp đôi dễ rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng…

Nhiều rắc rối, mâu thuẫn

Các cặp vợ chồng cần san sẻ với nhau trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Ảnh minh họa: nguồn internet

Qua 4 năm học chung và yêu nhau, anh Th. và chị H. quyết định về chung một nhà. Tuy nhiên, vấn đề của hai người là không thống nhất được nơi ở sau khi cưới. Quê chị H. ở Bạc Liêu, sau khi ra trường, chị làm cho một công ty truyền thông tại TP Cần Thơ. Trong khi đó, quê anh Th. ở Đồng Tháp. Ra trường, anh về quê và đi dạy tại một trường THPT. Anh Th. bàn với chị sau khi cưới thì chị chuyển về Đồng Tháp, dạy chung trường với anh. Thế nhưng, chị H. không đồng ý vì công việc của chị đang phát triển tốt.

Sau ngày cưới, cả hai duy trì chỗ ở hiện tại. Chị H. làm việc ở Cần Thơ, cuối tuần anh Th. từ Đồng Tháp sang thăm vợ. Thời gian đầu cả hai đều cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái, thường đưa nhau đi ăn bên ngoài, đi café, xem phim giải trí… Tuy nhiên, thu nhập của anh chị đổ dồn vào việc thuê nhà trọ, đi lại, ăn uống cuối tuần nên không có khoản tích lũy. Cưới nhau hơn 2 năm nhưng chị H. chưa dám sinh con. Thấy vậy, ba mẹ anh Th. nhiều lần yêu cầu chị chuyển công tác về quê chồng và sinh con nối dõi. Áp lực này khiến chị H. không thoải mái, vợ chồng bắt đầu có khoảng cách.

Sau khi cưới, vợ chồng chị L. và anh S. (cùng quê Sóc Trăng) cũng lâm vào tình trạng chồng một nơi, vợ một ngã. Chị L. có công việc ổn định tại Cần Thơ gần 7 năm nên không có ý định về Sóc Trăng - nơi ông xã chị công tác. Cả hai cũng chọn phương án cuối tuần đi thăm nhau. Tuy nhiên, đến khi chị cấn bầu, cần người chăm sóc, đỡ đần, chị mới thấy rằng suy nghĩ của mình trước kia là chưa thấu đáo. Có lần chị bị động thai, phải tự mình kêu xe đến bệnh viện; hay lúc nửa đêm thèm một món ăn mà không chồng bên cạnh chiều lòng;... chị tủi thân và đâm ra giận chồng. Chị từng có ý định “chia tay” chồng, dù biết điều đó là vô lý.

Cần sự chuẩn bị kỹ

Anh T.N. và chị Ng. cùng quê Vĩnh Long, học chung lớp đại học. Cách nay 10 năm, anh chị tốt nghiệp và xin tình nguyện về một xã vùng sâu tại Trà Vinh dạy học. Chị Ng. chia sẻ, sở dĩ chị chọn phương án này vì ở quê lúc bấy giờ khó xin việc. Mặt khác, chị ngần ngại cảnh làm dâu. Trong khi đó, chị là con gái một, mẹ chị cũng có ý định bắt anh T.N. phải “ở rể” nếu muốn cưới. Sau khi cả hai bàn bạc kỹ, anh chị quyết định lập nghiệp ở xa. Cùng lúc đó, tỉnh Trà Vinh có chính sách thu hút nhân tài, anh chị đều tốt nghiệp sư phạm khá, giỏi nên được ưu tiên tuyển dụng. Đến giờ chị vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn bởi lập nghiệp ở xa, không có sự trợ giúp của người thân, anh chị càng nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp, chăm lo cho gia đình. Anh chị hiện có gia đình hạnh phúc, 2 con chăm ngoan. Chồng chị hiện là Phó Hiệu trưởng.

Để vợ chồng không bất hòa, đồng thời, ngành học của anh Th. cũng phù hợp nên anh đã chuyển việc sang làm chung với vợ. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn vì thay đổi môi trường công việc. Tuy nhiên, anh cũng dần thích nghi và vì thương vợ nên anh không hối hận khi quyết định bỏ nghề.

Anh Ngh. (quê Hậu Giang) và chị H.P. (quê Kiên Giang) xác định sẽ lập nghiệp tại Cần Thơ sau khi cưới. Thời gian đầu, anh chị thuê phòng trọ để sống. Sau thời gian tích lũy, anh chị mượn thêm tiền hai bên nội ngoại để mua đất. Chị P. tâm sự, việc mua đất, cất nhà, dự định sinh con… phải được vợ chồng bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng… Nhờ vậy, mặc dù là gia đình trẻ nhưng chị P. vẫn thu xếp được việc nhà cửa, con cái đâu vào đó. Chị P. bộc bạch: “Sau khi tích lũy, gom góp các khoản vay mượn, đủ tiền cất nhà, tôi sinh đứa con đầu lòng. Với sự tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi trao đổi bàn bạc để đi đến thống nhất. Nhờ vậy, vợ chồng ngày càng hiểu, thông cảm cho nhau hơn”.

Chị P., chị H. bộc bạch rằng, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, hoặc đối mặt với khó khăn, mỗi người cần bình tĩnh, thông cảm cho đối phương. Đồng thời, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía người thân để có giải pháp hiệu quả. Trong giai đoạn yêu đương, người ta thường dễ bỏ qua những điều chưa tốt của nhau, nhưng khi đã là vợ chồng, đối diện với nhiều khó khăn, bộn bề cuộc sống, rất dễ “vỡ mộng” với hôn nhân. Lúc bấy giờ, tình yêu thương chưa đủ mà cả hai cần phải có sự điều chỉnh bản thân, biết cảm thông, chia sẻ với bạn đời, cùng nhau giải quyết những khó khăn. Có vậy, hôn nhân của các cặp đôi mới được vững bền, vợ chồng thêm gắn bó.

Đồng Tâm

Chia sẻ bài viết