Trung Quốc đang giúp Nepal tìm kiếm nguồn dầu mỏ trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường quan hệ song phương với Kathmandu và tìm cách tranh giành ảnh hưởng với Ấn Ðộ tại quốc gia Nam Á này.

Khoan thăm dò dầu khí tại Nepal. Ảnh: Weibo
Theo tờ Kantipur (Nepal), một nhóm gồm khoảng 20 kỹ sư Trung Quốc và 45 kỹ thuật viên Nepal hồi đầu tháng 5 đã bắt đầu chiến dịch khoan thăm dò dầu khí kéo dài 6 tháng ở huyện Dailekh (khu Bheri, vùng Trung Tây Nepal). Theo kế hoạch, các kỹ sư sẽ khoan tới độ sâu 4km để xác định trữ lượng dầu khí.
Chiến dịch được Chính phủ Trung Quốc tài trợ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật trên là một phần trong thỏa thuận được Bắc Kinh và Kathmandu ký hồi năm 2007. Như vậy, đây là đợt thăm dò dầu khí đầu tiên ở quốc gia thuộc dãy Himalaya này kể từ năm 1985 khi một chiến dịch tương tự được triển khai ở miền Nam Nepal không mang lại kết quả.
Giới quan sát coi chiến dịch trên là nỗ lực của Nepal nhằm giảm sự phụ thuộc về nhiên liệu hóa thạch của Ấn Ðộ. “Sự phụ thuộc của Nepal vào dầu mỏ Ấn Ðộ từ lâu là điểm yếu chiến lược. Kathmandu thường gặp phải những thách thức về chính trị và hậu cần. Nếu thành công, chiến dịch này có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Nepal vào nguồn dầu nhập khẩu từ Ấn Ðộ, giúp nước này tăng cường an ninh năng lượng và độc lập về kinh tế. Không những vậy, nó cũng có thể mang lại cho Nepal đòn bẩy lớn hơn để đàm phán với cả 2 nước láng giềng, cân bằng quan hệ đối ngoại hiệu quả hơn” - Narayani Sritharan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Ðại học William và Mary (Mỹ),
nhận định.
Ðồng quan điểm, Liu Zongyi, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng Nepal hiện quá phụ thuộc vào năng lượng và thương mại từ Ấn Ðộ. Do đó, New Delhi có ảnh hưởng to lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của Kathmandu. Theo ông Liu, việc tự chủ về nguồn cung năng lượng có thể giúp Nepal có “cách tiếp cận cân bằng hơn” giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc.
Song, theo bà Sritharan, trong khi các sáng kiến thăm dò dầu khí với sự hỗ trợ đáng kể của Trung Quốc có thể làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Nepal với Trung Quốc, sự hợp tác này có thể được Ấn Ðộ coi là “động thái chiến lược của Bắc Kinh” nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Nepal, từ đó có khả năng làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Ðược biết, Nepal không có trữ lượng dầu hoặc khí đốt. Năm 1985, Kathmandu đã mời nhiều công ty dầu mỏ nước ngoài đến hỗ trợ nước này tìm kiếm nguồn dầu mỏ. Họ đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chất và khoan thử giếng sâu 3.520m nhưng không mang lại kết quả. Ðến nay, không có nhà đầu tư nào tỏ ra quan tâm kể từ khi dự án chung giữa 2 công ty Shell (Anh) và Triton Energy (Mỹ) hồi năm 1990 thất bại.
Năm 2015, Nepal đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi Ấn Ðộ áp lệnh phong tỏa không chính thức đối với quốc gia láng giềng. Ðể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, Nepal hồi tháng 12-2015 đã quay sang Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó đồng ý cấp 1,4 triệu lít nhiên liệu trị giá 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,4 triệu USD) cho Kathmandu, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Trung Quốc ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Nepal để xuất khẩu nhiên liệu sang nước này.
Nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Nepal từ lâu được New Delhi coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh trong những thập niên gần đây đã “xâm nhập” Kathmandu, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước này, từ đường cao tốc, sân bay, nhà máy nhiệt điện cho đến các nhà máy hay trường học. Năm 2010, Trung Quốc miễn thuế cho hơn 8.000 sản phẩm của Nepal. Năm 2016, Bắc Kinh và Kathmandu ký thỏa thuận vận chuyển và quá cảnh, cho phép Nepal sử dụng các cảng của Trung Quốc cho hoạt động thương mại của nước thứ ba. Năm 2018, tuyến cáp quang Nepal - Trung Quốc đi vào hoạt động, chấm dứt sự phụ thuộc các dịch vụ Internet của Nepal vào Ấn Độ. Năm 2022, hai bên thực hiện một nghiên cứu khả thi chung cho tuyến đường sắt Tây Tạng - Nepal xuyên dãy Himalaya dài 170km - một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)