Trung Quốc đang kết hợp quyền lực cứng và mềm trong chính sách đối ngoại của nước này trên khắp thế giới, trong đó có châu Phi. Điều thuận lợi là Bắc Kinh hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng nhất của lục địa đen.

Tượng Khổng Tử được đặt tại một Viện Khổng Tử ở châu Phi. Ảnh: Japan Forward
Trung Quốc đang ngày càng sử dụng ngôn ngữ như là công cụ để thực hiện các mục tiêu đối ngoại, đặc biệt là từ năm 2004 khi chương trình học bổng Khổng Tử lần đầu được ra mắt. Được giám sát bởi Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc Quốc tế hay còn được gọi là Viện Khổng Tử, mạng lưới học bổng Khổng Tử tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ trong các cơ sở giáo dục đại học của châu Phi.
Đến nay, các học viện công do Bắc Kinh tài trợ để giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc đang mọc lên trên khắp châu Phi. Đây được xem là một phần trong nỗ lực nhằm nâng cao ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc với trọng tâm là quyền lực mềm. Theo dữ liệu của Development Reimagined, công ty tư vấn quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh hoạt động trong lĩnh vực quan hệ Trung Quốc - châu Phi, từ con số 0 hồi trước năm 2005, số Viện Khổng Tử ở châu Phi đã tăng lên con số 48 vào năm 2018, bên cạnh khoảng 27 lớp học Khổng Tử. Trong đó, riêng Nam Phi có 6 Viện Khổng Tử và 5 lớp học Khổng Tử. Năm 2015, Nam Phi bắt đầu tích hợp việc dạy và học tiếng Hoa vào hệ thống giáo dục quốc gia. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi tuyên bố việc thành lập các Viện Khổng Tử là “do các trường đại học châu Phi yêu cầu”. Song, giới chức Nam Phi nói rằng đề nghị thành lập các Viện Khổng Tử “chủ yếu đến từ Bắc Kinh” hoặc từ “những người kinh doanh có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc”. Họ thậm chí cho rằng chính đại sứ quán Trung Quốc tạo áp lực cho họ lập nên các Viện Khổng Tử.
Thông thường, các Viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử được thành lập thông qua quan hệ đối tác giữa một trường đại học Trung Quốc, một trường đại học ở nước sở tại và Văn phòng Hanban - tổ chức quảng bá ngôn ngữ và văn hóa thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Hanban sau đó cử giảng viên ngôn ngữ và văn hóa người Trung Quốc đến giảng dạy. Mặc dù thực tế các học bổng Khổng Tử được trao tại các trường cao đẳng và đại học ở châu Phi nhưng chúng đa phần được Hanban tài trợ và kiểm soát. Chính vì điều này đã tạo nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng học bổng Khổng Tử đang được sử dụng để nâng cao các mục tiêu nhà nước của Trung Quốc và làm tổn hại đến quyền tự do học thuật và tính liêm chính.
Theo tờ Japan Forward, Trung Quốc ngày càng coi các học viện ngôn ngữ của nước này là công cụ khuếch trương quyền lực mềm mạnh mẽ, hỗ trợ mục tiêu trỗi dậy của Bắc Kinh. Và theo một nghĩa nào đó, quyền lực mềm “văn hóa” này là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy các mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc. Nhằm kết nối giữa văn hóa và quyền lực mềm, Đại học Bắc Kinh hồi năm 2014 đã thành lập một trung tâm dành riêng cho việc thúc đẩy quyền lực mềm. Tận dụng mối quan hệ và danh tiếng sẵn có, Đại học Bắc Kinh đang tìm cách truyền bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Trong buổi ra mắt trung tâm, Bộ trưởng Văn hóa khi đó của Trung Quốc là Thái Vũ còn nói rõ tham vọng của Bắc Kinh: “Quyền lực mềm văn hóa đang bắt đầu hỗ trợ mạnh mẽ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, nước ta phải nâng cao sức mạnh văn hóa của mình để thống trị cuộc tranh giành quyền lực mềm toàn cầu”.
Để thu hút sinh viên châu Phi đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp hàng chục ngàn học bổng. Trong giai đoạn 2010-2014, Chính phủ Trung Quốc cấp cho sinh viên châu Phi 33.866 học bổng thông qua Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC). Tại FOCAC 2018, Trung Quốc cam kết tiếp tục cấp cho sinh viên lục địa đen 50.000 học bổng chính phủ cùng với 50.000 cơ hội tham gia các hội thảo “đào tạo chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
TRÍ VĂN