24/03/2023 - 09:33

Trung Quốc thận trọng trước “thập kỷ mất mát” 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Trung Quốc có nguy cơ đối mặt “thập kỷ mất mát”, thuật ngữ mô tả thời kỳ đình trệ kinh tế của Nhật Bản suốt thập niên 1990. Ðây cũng là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế dài nhất lịch sử.

Những người cao tuổi ở Nam Thông vẫn làm việc khi người trẻ đều đổ ra thành phố lớn. Ảnh: Nikkei

Nằm ở cửa sông Dương Tử và Hoàng Hải, thành phố Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô từng được biết đến như cái nôi của nền công nghiệp hiện đại Trung Quốc. Ngày nay, nhắc đến Nam Thông, người ta chỉ nhớ đây là thành phố lâu đời nhất ở Trung Quốc về mặt nhân khẩu học.

Theo Tổng điều tra dân số quốc gia năm 2020, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% trong 7,7 triệu dân Nam Thông (mức trung bình toàn quốc là 18,7%). Với việc thành phố đang già đi nhanh chóng còn người trẻ thích làm việc ở đô thị lớn, nhóm lao động phổ thông ở Nam Thông hầu như là người cao tuổi, từ bảo vệ nhà máy, phục vụ quán ăn, chủ các cửa hàng tạp hóa đến những công việc đồng áng nặng nhọc.

Già trước khi giàu

Ðánh giá tình hình Nam Thông, giới chuyên môn lo ngại cho tương lai của Trung Quốc nếu quy mô và tốc độ lão hóa tiếp tục kéo dài. Hiện Trung Quốc đã gia nhập “câu lạc bộ” các nền kinh tế lớn ở châu Á có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với tỷ lệ người từ 65 tuổi chiếm trên 14% dân số năm 2022. Theo dự báo của chính phủ, người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc vào năm 2035. Ðến năm 2100, Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết dân số đại lục có thể bị đẩy xuống còn 587 triệu người và cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì có 120 người già cần hỗ trợ.

Vấn đề là, tại thời điểm có tỷ lệ người già như Trung Quốc hiện nay, nhiều quốc gia đã tương đối thịnh vượng, tức người cao tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí thoải mái. Chẳng hạn như Nhật Bản, thu nhập bình quân đầu người nước này đạt tiêu chuẩn nhóm quốc gia Thế giới thứ nhất trước khi dân số bắt đầu ổn định và thu nhập đạt đỉnh vào thời điểm chấm dứt chu kỳ “nền kinh tế bong bóng” vào cuối những năm 1980.

“Thập kỷ mất mát”

Thuật ngữ này dùng chỉ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đi ngang và giảm phát sau khi bong bóng thị trường bất động sản vỡ vào năm 1991. Nguyên nhân một phần do bùng phát dân số già. Theo giới chuyên môn, độ trễ già hóa dân số giữa Nhật - Trung chỉ khoảng 15-20 năm và cấu trúc dân số của đại lục hiện tương tự lúc Nhật Bản bước vào thời kỳ suy thoái dài hạn. Dựa trên thực tế này, có nhiều dự đoán rằng suy giảm dân số của Trung Quốc cũng được cảm nhận qua kinh tế.

Theo Giáo sư Tomoyuki Fukumoto, lực lượng lao động thu hẹp có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 1% mỗi năm trong giai đoạn 2035-2050. Tình hình khó khăn hơn với sức ép phải tăng chi tiêu chăm sóc sức khỏe cho dân số già khi lượng lớn người lao động sẽ về hưu những thập kỷ tới. Kể cả Nhật Bản vốn có hệ thống an sinh tốt hơn Trung Quốc, tổng nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội nước này đã tăng từ 147% năm 2001 lên 256% vào năm 2021, chủ yếu do mở rộng chi tiêu an sinh xã hội như lương hưu, chăm sóc người già và bảo hiểm y tế.

Thách thức dài hạn

Dựa vào kinh nghiệm của một số quốc gia già hóa dân số ở châu Á, các chuyên gia xác định Trung Quốc khó giải quyết vấn đề tăng tỷ lệ sinh. Gần đây, nhiều thành phố lớn ở đại lục đưa ra loạt chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Nhưng theo một bà mẹ ở Thâm Quyến, tiền thưởng này thậm chí không đủ để mua sữa. “Có thể các biện pháp giúp được một số gia đình điều kiện kém hơn, nhưng với những bậc cha mẹ có học thức và mức sống cao, họ sẽ không sinh con chỉ với số tiền ít ỏi như vậy” - người này cho hay.

Năm ngoái, một bài báo xuất bản trên tạp chí lý luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập mức độ nghiêm trọng của tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và cho biết giải quyết suy giảm dân số đòi hỏi “nỗ lực lâu dài và gian khổ”. Trong đó, Trung Quốc có thể phải định hình lại nền kinh tế từ sản xuất giá trị thấp dựa trên nguồn lao động giá rẻ sang chuỗi giá trị hướng tới nhóm lao động có tay nghề cao. Ðầu tư những lĩnh vực như khoa học - công nghệ cũng cần chú trọng hơn nữa để tạo nhiều cơ hội tăng trưởng.l

Chia sẻ bài viết