Sử dụng mô hình tàu sân bay và khu trục hạm Hải quân Mỹ làm mục tiêu diễn tập, Trung Quốc đang tiếp tục cải thiện năng lực tác chiến trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng =gia tăng.

Mục tiêu di động ở sa mạc Tân Cương được xác định mô phỏng tàu chiến Mỹ.
Hôm 8-11, Viện Hải quân Mỹ (USNI) công bố các hình ảnh vệ tinh chụp khu phức hợp ở sa mạc Taklamakan thuộc Tân Cương, trong đó cho thấy mô hình phỏng theo tàu sân bay lớp Ford đang chế tạo của Mỹ được đặt trên đường ray tàu hỏa. Ngoài ra còn có cấu trúc khác được xác định của ít nhất 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.
Do khu vực trên từng nhiều lần được quân đội Trung Quốc dùng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo, USNI căn cứ thông tin của công ty phân tích tình báo không gian địa lý All Source Analysis dự đoán Bắc Kinh đang trong quá trình nâng cao năng lực phóng tên lửa tiêu diệt tàu sân bay. Và mô hình tàu chiến của Hải quân Mỹ là một trong các mục tiêu mới mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng. Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, một vụ thử tên lửa đạn đạo diệt hạm ở sa mạc không phản ánh điều kiện thực tế trên biển vốn ảnh hưởng thiết bị cảm biến và khả năng xác định mục tiêu. Tuy nhiên, nó cho phép Trung Quốc tiến hành các vụ phóng an toàn hơn trước “tai mắt” của quân đội và lực lượng tình báo Mỹ cũng như hạn chế rủi ro tên lửa rơi trúng các tàu khác xung quanh.
Thật ra, việc xây dựng mô hình mục tiêu ở thế giới thực như các địa danh mang tính biểu tượng, tàu chiến hay tàu sân bay là hoạt động không mới trong huấn luyện quân sự. Mới đây, quân đội Mỹ cũng được cho thực hành tác chiến trên bản mô phỏng phiên bản mới nhất dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 của Trung Quốc Type 99A. Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh gây chú ý khi đặt trong bối cảnh Trung Quốc cấp tập hiện đại hóa quân đội, mở rộng kho vũ khí nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực.
Trong đó, nhiều người đặc biệt quan tâm chương trình phát triển hệ thống tên lửa phóng từ đất liền, trên biển và trên không nhằm đẩy lùi thậm chí đánh chìm tàu của đối phương do Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân (PLARF) giám sát. Theo đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc về diễn biến quân sự và an ninh của Trung Quốc, PLARF chỉ trong năm 2020 đã phóng hơn 250 tên lửa đạn đạo vì mục đích thử nghiệm và huấn luyện, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Ðặc biệt vào tháng 7-2020, Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng leo thang với Washington đã tiến hành 5 vụ tập trận bắn đạn thật ở Biển Ðông; phóng 6 quả tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26 vào khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thời điểm đó, truyền thông Trung Quốc ví DF-21D và DF-26 như “sát thủ tàu sân bay” và là loại tên lửa đạn đạo “đầu tiên trên thế giới có khả năng tiêu diệt tàu từ trung bình tới cỡ lớn đang di chuyển trên biển với độ chính xác cao”.
Mỹ hiện có lực lượng hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất thế giới với 11 chiếc, trong khi Trung Quốc đang đóng chiếc thứ 3.
MAI QUYÊN (Theo CNN)