23/02/2022 - 08:44

Trung Quốc ráo riết săn tìm lithium toàn cầu 

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, Clean Technica)

Vùng “Tam giác lithium” của Nam Mỹ chứa hơn phân nửa trữ lượng lithium của thế giới, trong khi Trung Quốc đang muốn giành lấy phần lớn hơn của cái bánh này.

Phần lớn trữ lượng lithium tập trung tại các mỏ muối ở Mỹ Latinh. Ảnh: Top War

Mỹ Latinh - chiến trường quan trọng

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Argentina Alberto Fernandez ký thỏa thuận tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc trong tháng này, giá lithium tại thị trường Trung Quốc đã lần đầu chạm tới 315.000USD/tấn, cao gấp 4 lần so với một năm trước. Argentina và Trung Quốc có thể trở thành những nhân tố lớn của thế giới trong chuỗi cung ứng lithium, thành phần quan trọng của nhiều loại pin dành cho xe điện (EV). Cùng với Argentina, Bolivia và Chile tạo nên một vùng gọi là “Tam giác lithium” của Nam Mỹ, nơi sở hữu 56% trữ lượng lithium thế giới. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc là bên thu mua và đầu tư lớn nhất vào các mỏ lithium, đồng thời tinh chế 2/3 lượng lithium toàn cầu.

Chuyện Trung Quốc và Argentina ngày càng siết chặt quan hệ đã gây quan ngại cho các nước phương Tây trong bối cảnh những quốc gia này quyết tâm giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh về lithium. Về phần mình, các chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng việc nước này tìm kiếm lithium trên toàn cầu là do nhu cầu thị trường.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu tạo ra nhiều hơn chuỗi cung ứng công nghiệp trong khi đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ đang nổi như EV.

Do nhu cầu pin tăng cao tại Trung Quốc, các công ty khai thác, nhà sản xuất pin và hãng xe của Bắc Kinh đã lao vào cuộc tìm kiếm nhằm có nguồn cung ứng lithium ổn định và điều này góp phần tạo nên sự thống trị của Trung Quốc về chuỗi cung ứng. Ðối với những công ty này, Mỹ Latinh là chiến trường quan trọng. Argentina, quốc gia nắm giữ 10% trữ lượng lithium thế giới, là điểm đến quan trọng đối với giới đầu tư Trung Quốc. Ganfeng Lithium, một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu của Trung Quốc, đã đầu tư vào nhiều dự án chiết xuất lithium tại Argentina và cũng đã đạt thỏa thuận với chính phủ quốc gia Nam Mỹ xây dựng một nhà máy pin lithium-ion.

Gia tăng cạnh tranh địa chính trị

Không riêng gì Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu năm 2021 đã yêu cầu đánh giá liên ngành kéo dài 100 ngày đối với các chuỗi cung ứng trong nước. Báo cáo cho rằng việc Trung Quốc thống lĩnh hoạt động tinh chế lithium đặt ra “lỗ hổng nghiêm trọng” cho tương lai ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. “Thị trường pin dung lượng cao này là một trong những yếu tố sống còn nhất đối với lợi ích của Mỹ. Trung Quốc đặc biệt đã tạo ra chuỗi cung ứng méo mó bằng cách sử dụng các công ty quốc doanh can thiệp vào chính phủ hoặc phi thị trường, ở trong nước và những nền kinh đang phát triển”, tài liệu đánh giá.

Hồi tháng 9-2020, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên xếp lithium là “nguyên liệu thô quan trọng”. Tuy nhiên, châu Âu khó tham gia vào chuỗi cung ứng lithium do người dân địa phương và các tổ chức bảo vệ môi trường phản đối các dự án khai thác kim loại nhẹ nhất thế giới này.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu lithium trên toàn cầu sẽ tăng hơn 4.000% vào năm 2040 nếu thế giới đạt được những mục tiêu về khí hậu. “Những xu hướng này cho thấy kiểm soát ngành công nghiệp lithium có thể gặt hái những lợi ích lớn trong tương lai, qua đó nhiều khả năng gia tăng sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc”, Ryan Berg tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), bình luận. Các chuyên gia nhận định việc tinh chế và khai thác lithium đang ngày càng bị chính trị hóa trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị gia tăng và cuộc khủng khoảng chuỗi cung ứng hiện nay.

Khi các nền kinh tế lớn đều muốn chuyển đổi sang ôtô điện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, lithium ngày càng được ví như “dầu mới” và “vàng trắng”. Mỹ nhập khẩu rất nhiều khoáng chất được sử dụng trong pin EV, như coban, graphite, lithium, mangan và niken. Ðặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, hơn 90% lượng lithium nhập khẩu của Mỹ đến từ Argentina và Chile. Chile hiện kiểm soát 42% trữ lượng lithium của thế giới.

Chia sẻ bài viết