22/06/2013 - 22:04

Trung Quốc mở chi nhánh đại học đầu tiên ở nước ngoài

Tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, hơn 20 sinh viên nước này đang theo học lớp tiếng Quan thoại (ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc) của Đại học Soochow - chi nhánh đại học đầu tiên của Đại học Tô Châu ở nước ngoài. Xu hướng mở chi nhánh ra bên ngoài biên giới của các trường đại học Trung Quốc sẽ không dừng lại đây theo sự khuyến khích của chính quyền Bắc Kinh.

 Một tiết học tiếng Trung tại Đại học Soochow ở Thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Palamy Siphandone - một nữ sinh 19 tuổi ở lớp học trên - cho hay hiện có rất nhiều công ty đến từ Trung Quốc đang kinh doanh ở Lào và nếu cô nói được tiếng Trung thì sẽ có thêm nhiều cơ hội vào làm việc tại các công ty này. Bà Chen Mei, giảng viên tiếng Trung của Đại học Soochow, cho biết chi nhánh của họ tại Lào hiện đang gây quỹ tài chính đề xây dựng nơi đây thành một trung tâm đại học có sức chứa 5.000 sinh viên như cam kết. Bà Chen nói: "Các chính sách quốc gia muốn chúng tôi hướng ra nước ngoài, trong bối cảnh việc quốc tế hóa giáo dục đi kèm với toàn cầu hóa nền kinh tế".

Trước đó, Trung Quốc vốn đã có "truyền thống" cung cấp các khóa học tiếng Trung ở nước ngoài nhưng thường là để phục vụ cộng đồng Hoa kiều. Trong những năm gần đây, chính phủ nước này cũng đã thành lập các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới nhằm mục đích quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc ra thế giới. Tuy nhiên, việc thành lập những cơ sở đại học chính thức ở nước ngoài - như mô hình của Đại học Soochow, là một bước thử nghiệm hoàn toàn mới mẻ của Bắc Kinh.

Đầu năm nay, Đại học Hạ Môn, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Trung Quốc, cũng vừa công bố kế hoạch mở một chi nhánh tại Malaysia vào năm 2015 và dự kiến sẽ thu hút số lượng ghi danh hàng năm chạm mốc 10.000 sinh viên vào năm 2020. Tháng 5 vừa qua, Đại học Chiết Giang của Trung Quốc và Trường Imperial College London (Anh) cũng đã ký một thỏa thuận nhằm nghiên cứu các khả năng hợp tác thành lập một liên doanh đại học chung.

Được biết, Malaysia hiện là địa điểm được nhiều trường đại học Anh chọn để mở rộng trong thời gian gần đây. Dù vậy, kế hoạch mở chi nhánh của Đại học Hạ Môn vẫn được Thủ tướng Malaysia Najib Razak đánh giá là "lịch sử". Khuôn viên chi nhánh của Đại học Hạ Môn được cho là có thể sẽ thu hút nhiều người dân Malaysia cùng với số đông Hoa kiều tại đây tham gia các khóa học, ở lĩnh vực từ kinh tế, kỹ sư hóa học cho đến văn học Trung Quốc. Số lượng người gốc Hoa tại Malaysia hiện chiếm hơn 1/5 trong tổng dân số 29 triệu người tại quốc gia này, trong đó có một số Hoa kiều thường than phiền rằng con cái của họ gặp nhiều khó khăn mới giành được một chỗ học trong các trường đại học chính qui của nhà nước.

Trên thực tế, đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình toàn cầu hóa giáo dục với cuộc đổ xô của các học viện phương Tây đến nước này lập các chi nhánh đào tạo. Do đó, đây cũng là thời điểm để các trường đại học Trung Quốc tăng tốc cạnh tranh. Bắt đầu từ những năm 1990, Trung Quốc - với mục tiêu đào tạo nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hơn - đã bắt đầu xây dựng nhiều trường đại học mới, khuyến khích tư nhân hóa giáo dục đại học và mở rộng phạm vi tuyển sinh. Những thay đổi đó đã giúp thu hút sinh viên quốc tế, với số lượng sinh viên ở Đại lục ngày càng gia tăng và đạt mức cao nhất là 290.000 sinh viên trong năm 2011. Tuy nhiên, cơn sốt thu hút sinh viên đã bị dư luận chỉ trích nặng nề, mà cụ thể là việc chất lượng giáo dục không được chú trọng dẫn tới hậu quả là nhiều trường đại học Trung Quốc đã thất bại trong việc chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho sinh viên để bước vào thị trường việc làm, hoặc nhận được một nền giáo dục toàn diện.

Đầu tư mở rộng đại học sử dụng tiếng Trung ra nước ngoài nằm trong chiến lược tăng cường "quyền lực mềm" tạo dựng ảnh hưởng toàn cầu của Chính phủ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những bước đi đầy tham vọng nhưng gây quan ngại cho nhiều nước.

THÁI THANH (Theo AP)

Chia sẻ bài viết