Tờ Defense News mới đây dẫn lời Tư lệnh Không quân Pakistan (PAF) Zaheer Baber Sidhu cho biết các tiêm kích thế hệ thứ 5 FC-31 do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Dù không nêu rõ thời gian chính xác là khi nào cũng như không tiết lộ số lượng FC-31 mà Pakistan sẽ mua, nhưng việc Pakistan mua chiến đấu cơ hiện đại này có thể tạo ra “sức nóng” trong cuộc chạy đua vũ trang gay gắt với Ấn Độ.

Tiêm kích thế hệ thứ 5 FC-31 của Trung Quốc. Ảnh: AP
Hiện chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 giá rẻ FC-31/J-35 của Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh với chiếc F-35 do Mỹ sản xuất và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trở lên của châu Âu trên thị trường quốc tế. Song, nhiều câu hỏi xung quanh tính hiệu quả của FC-31 vẫn còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn, FC-31 trong thực tế có thể tàng hình được hay không?; hệ thống cảm biến và phản ứng tổng hợp cảm biến của FC-31 khi hoạt động sẽ như thế nào?; và việc mua FC-31 có giúp Pakistan cân bằng khả năng sản xuất chiến đấu cơ ngày càng phát triển của Ấn Độ hay không?. Defense News cho rằng các chiến đấu cơ JF-17, J-10 và F-16 mà Pakistan mua của Trung Quốc và Mỹ có thể giúp nước này chiếm ưu thế trên không trước Ấn Độ. Do đó, nhu cầu mua FC-31 vào thời điểm nền kinh tế Pakistan rơi vào tình trạng hỗn loạn đã tạo ra nhiều nghi vấn.
Từ lâu, Pakistan cùng với Bangladesh, Myanmar, Triều Tiên và một số quốc gia châu Phi là khách hàng thân thiết của chiến đấu cơ do Trung Quốc sản xuất. Tờ The Warzone hồi tháng 3-2022 đưa tin Pakistan đã nhận được máy bay chiến đấu đa năng J-10 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Thương vụ này được ký kết nhằm nâng cao năng lực của PAF sau vụ Không quân Ấn Độ (IAF) không kích vào một trại huấn luyện ở thị trấn Balakot (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan) hồi tháng 2-2019. Theo The Warzone, việc PAF mua J-10 được xem là phản ứng của lực lượng này trước việc Ấn Độ mua chiến đấu cơ đa năng Dassault Rafale của Pháp.
Trước đây, Pakistan và Trung Quốc từng cùng phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17. Trong bài viết đăng tải trên tờ Business Insider hồi tháng 11-2022, chuyên gia quân sự Benjamin Brimelow cho biết JF-17 có giá từ 15-25 triệu USD/chiếc, rẻ hơn bất kỳ chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 nào trên thị trường, khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các lực lượng không quân “eo hẹp” về tài chính ở các nước đang phát triển không đủ khả năng mua chiến đấu cơ của phương Tây. Song, JF-17 không được thiết kế để cạnh tranh trực diện với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35 do Mỹ sản xuất mà được phát triển dành cho các cuộc xung đột cường độ thấp.
Giới phân tích nhận định, doanh số bán chiến đấu cơ của Trung Quốc cho Pakistan là một điểm sáng trong bối cảnh tình hình buôn bán ảm đạm của Bắc Kinh trên thị trường vũ khí thế giới. Tờ Asia Times hồi tháng 1-2022 cho rằng sở dĩ doanh số bán máy bay chiến đấu của Trung Quốc ít ỏi là bởi Bắc Kinh do dự trong việc tham gia các thỏa thuận chia sẻ chi phí, thiếu đối tác chiến lược và sự miễn cưỡng của các đối tác tiềm năng trong việc hợp tác chiến lược với Trung Quốc thông qua việc mua chiến đấu cơ.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện có thể đang lôi kéo Pakistan vào chuỗi cung ứng logistics quân sự của mình thông qua việc bán vũ khí tinh vi. Theo gương Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng Pakistan làm hình mẫu để tiếp thị vũ khí của mình với tiền đề là người mua được hỗ trợ kỹ thuật, được hưởng giá ưu đãi và tiếp cận với các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân do Trung Quốc hỗ trợ của Pakistan đã gióng hồi chuông cảnh báo ở Ấn Độ, khiến New Delhi phải đẩy mạnh chương trình phát triển chiến đấu cơ bản địa. Tờ Eurasian Times mới đây nói rằng Ấn Độ đang có kế hoạch thử nghiệm máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Mark 1A trong năm nay, trong khi chiếc LCA Mk2 sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2025. Còn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 do Ấn Độ sản xuất với tên gọi AMCA dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2028-2029. Ấn Độ cũng có thể mua F-35 của Mỹ, tham gia các chương trình Su-57 hoặc Su-75 của Nga, chương trình chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Nhật Bản hoặc châu Âu.
TRÍ VĂN (Asia Times)