18/09/2023 - 21:58

Trung Quốc khuếch trương quyền lực mềm ở Trung Đông 

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Trái với sự quan tâm bị giảm sút từ ở phương Tây, liên tục có nhiều nước Arab ủng hộ đưa ngôn ngữ Trung Quốc vào chương trình học bắt buộc. Kết quả này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy văn hóa toàn cầu của Bắc Kinh, phản ánh sự thay đổi địa chính trị ở khu vực vốn được coi là phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Vào tháng 6 vừa qua, Saudi Arabia khánh thành Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Prince Sultan. Tháng rồi, đồng minh lâu đời của Mỹ ra thông báo bắt buộc dạy tiếng Phổ thông ở tất cả trường trung học cơ sở công lập và tư thục. Việc mở rộng giáo dục ngôn ngữ Trung Quốc ở Saudi Arabia tuân theo thỏa thuận ký kết năm 2019 trong chuyến thăm của Thái tử Mohammed bin Salman tới Bắc Kinh. Cổng thông tin Saudi Gazette cho biết, tiếng Phổ thông sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở tất cả cấp, kể cả trường đại học.

Saudi Arabia khánh thành Viện Khổng Tử tại Đại học Prince Sultan ở thủ đô Riyadh.

Saudi Arabia khánh thành Viện Khổng Tử tại Đại học Prince Sultan ở thủ đô Riyadh.

Theo giới chuyên môn, thỏa thuận trên là bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy văn hóa toàn cầu của Trung Quốc, vốn bị cản trở bởi sự giám sát ngày càng tăng trên hầu hết các lĩnh vực khi cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh với Washington gay gắt hơn. Một trong những ví dụ cụ thể của tình trạng kiểm soát này là Viện Khổng Tử, phương tiện quan trọng giúp quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên thế giới. Năm 2020, Chính phủ Mỹ xếp trung tâm quản lý các Viện Khổng Tử ở xứ cờ hoa vào danh sách “cơ quan ngoại giao”, tương đương với khẳng định hệ thống Viện Khổng Tử “thuộc quyền sở hữu hoặc chịu kiểm soát của chính phủ nước ngoài”. Kể từ đó, có hơn 100 Viện Khổng Tử ở các cơ sở tại Mỹ bị đóng cửa trước lo ngại đây là công cụ tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu do Chính phủ Trung Quốc tài trợ. Tình hình diễn ra tương tự ở Úc và các nước châu Âu những năm gần đây.

Trái ngược nghi ngại ở phương Tây, các nước khu vực khác nhìn chung vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Đặc biệt ở Trung Đông, Bắc Kinh dường như giành được chỗ đứng mới khi một số quốc gia cho thấy họ rất coi trọng giáo dục ngôn ngữ Trung Quốc. Chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đây là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên đưa tiếng Phổ thông vào hệ thống giáo dục quốc gia. Theo số liệu từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Abu Dhabi, UAE với sự giúp đỡ của Bắc Kinh đã triển khai dạy tiếng Phổ thông ở 100 trường công lập vào năm 2019. Từ năm ngoái, con số này tăng lên 158 trường. Ở Ai Cập, chính quyền Cairo năm 2020 ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc để đưa tiếng Phổ thông vào danh sách tự chọn cho môn ngoại ngữ thứ 2 ở cấp tiểu học và trung học. Hồi tháng 7 rồi, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thông qua luật bổ sung ngôn ngữ Trung Quốc vào danh sách ngoại ngữ được dạy ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước.

Mối quan hệ “bùng nổ” giữa Trung Quốc và Trung Đông

Theo Giáo sư Fan Hongda của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, sự quan tâm ngày càng tăng đối với học tiếng Phổ thông phản ánh quan hệ ngoại giao đang bùng nổ giữa Trung Quốc và khu vực vốn là “sân sau” ảnh hưởng của Mỹ. Có thể nói, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Năm ngoái, trong khi đất nước đang trải qua đợt phong tỏa vì đại dịch COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Riyadh để dự hội nghị thượng đỉnh khu vực cùng lãnh đạo các quốc gia Arab vùng Vịnh. Tháng 3 năm nay, Bắc Kinh khiến thế giới ngạc nhiên khi làm trung gian cho sáng kiến hòa bình giữa Saudi Arabia và Iran. Tiếp theo đó là một loạt hoạt động nối lại quan hệ trong khu vực, bao gồm làm trung gian nối lại quan hệ ngoại giao chính thức giữa Iran với Maroc và Ai Cập; giữa UAE và Qatar cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Theo giảng viên cao cấp Jeffrey Gil của Đại học Flinders (Úc), trong khi căng thẳng với phương Tây không sớm hạ nhiệt, Trung Quốc được dự đoán chuyển hướng sang những khu vực mà họ có thể phát huy quyền lực mềm thông qua giáo dục tiếng Phổ thông như Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Chia sẻ bài viết