07/10/2015 - 20:40

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Trong trẻo, nhẹ nhàng...

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tạo nên cơn sốt khi chỉ sau 4 ngày công chiếu đã bán hơn 110.000 vé trên toàn quốc. Các suất chiếu vẫn đang được xếp lịch dày đặc và khán giả vẫn nô nức đến xem. Không phải là phim hài, không có diễn viên ngôi sao,… điều gì đã tạo nên sức hút đặc biệt cho bộ phim này?

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

 Ba nhân vật chính trong phim: Mận, Thiều và Tường.

Yếu tố đầu tiên tạo nên sức hút cho phim là thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" từng đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 và lập kỷ lục khi sách vừa phát hành đã tái bản nhiều lần vì "cháy hàng". Kế đến là tên tuổi của đạo diễn Victor Vũ- vốn nổi tiếng với những tác phẩm ăn khách: "Quả tim máu", "Cô dâu đại chiến"… Trước khi ra mắt, phim được quảng bá rầm rộ, trailer với những cảnh quay lung linh, đẹp mắt liên tục được tung ra,… Đặc biệt, phim đoạt giải "Phim hay nhất" tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua, càng kích thích sự chờ đợi của khán giả. Và thực tế, khi công chiếu, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp đối với công chúng.

Lấy bối cảnh làng quê miền Trung những năm đầu 1980, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" dẫn người xem trở về ký ức tuổi thơ với những tình cảm trong trẻo, nhẹ nhàng. Ở đó, cậu bé Thiều bắt đầu có những cảm xúc khác lạ với Mận- cô bạn dễ thương cùng lớp. Khi nhà Mận xảy ra hỏa hoạn, mẹ cô bé phải lên thành phố tìm chồng nên gửi Mận qua nhà Thiều ở tạm ít hôm. Thiều bắt đầu ghen tỵ khi Mận chơi thân và rất hợp với em trai mình- Tường. Vì hiểu lầm, Thiều đánh Tường bị thương khiến cậu bé không thể đi lại được nữa. Ray rứt, ân hận không nguôi, Thiều chăm sóc em trai tận tình, làm mọi việc vì em, kể cả việc dẹp bỏ nỗi sợ ma để lần theo dấu vết vào rừng, tìm ra cô bé mà Tường gọi là "công chúa". Như một câu chuyện cổ tích, phép màu đã xảy ra với Tường và Nhi- cô "công chúa" sống trong rừng…

Câu chuyện nhân văn cùng những khuôn hình đẹp như thơ của đạo diễn Victor Vũ đã chạm được đến cảm xúc của khán giả. Người xem còn thấy được sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng qua từng bối cảnh, đạo cụ, phục trang trong phim. Những vật dụng cũ kỹ của hơn 30 năm trước- từ cuốn sách, cặp da, bút mực đến mùng, mền, nồi niêu, xoong chảo…- đều xuất hiện một cách hết sức chỉn chu. Rồi những trò chơi của trẻ con, không khí ấm cúng của đêm hội rước đèn Trung Thu… được tái hiện chi tiết, gợi cảm động về một quá khứ nghèo khó nhưng ấm áp. Phim cũng không ít lần lay động lòng người với những chi tiết tạo ấn tượng mạnh: Thiều cầm con cóc trong tay chạy dưới mưa với nỗi day dứt đã làm Tường mất đi người bạn thân thiết hay cảnh cha mẹ nhịn đói nhường cho con chén cháo sau cơn lũ... Đặc biệt là trường đoạn mẹ của Nhi- một nghệ sĩ xiếc- gặp tai nạn trong lúc biểu diễn vì lo lắng cho sự an nguy của con… Những cung bậc cảm xúc càng được nâng lên bởi âm nhạc khi ngọt ngào, thánh thót, lúc khắc khoải, tang thương.

Phim thành công còn phải kể đến diễn xuất tuyệt vời của 3 diễn viên nhí: Thịnh Vinh (Thiều), Trọng Khang (Tường) và Thanh Mỹ (Mận). Không những "ăn hình" bởi gương mặt ngây thơ, trong sáng, cả ba còn lột tả được trọn vẹn tính cách nhân vật: một Thiều tâm trạng phức tạp, luôn bị giằng xé giữa tình cảm tuổi mới lớn với những đố kỵ, hẹp hòi; một Tường trong sáng, rộng lượng, luôn mơ mộng; và một cô bé Mận thường u buồn vì hoàn cảnh gia đình.

Tuy nhiên, với những ai đã từng đọc nguyên tác "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Nguyễn Ngọc Ánh, sẽ có đôi lúc hẫng hụt vì phim quá nhẹ nhàng, trong trẻo mà bỏ qua những tình tiết khắc nghiệt trong truyện. Mối tình ngang trái của chú Đàn và chị Vinh, bi kịch của gia đình Mận khi có người bị bệnh phong, những mất mát, tang thương trong cơn lũ… được làm nhẹ đi. Đạo diễn chỉ tập trung khai thác mối quan hệ giữa bộ ba nhân vật: Thiều- Mận- Tường. Trong đó, chọn tình anh em của Thiều và Tường làm sợi dây chủ đề kết nối mạch phim và các tình tiết khác để làm bật lên tình cảm trong sáng tuổi học trò, tình thân gia đình và tình người trong hoạn nạn.

Dù còn ít nhiều ý kiến trái chiều, song phải khẳng định rằng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một bộ phim Việt đáng để khán giả đến rạp.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết