Với lợi thế đất đai địa phương màu mỡ, cộng với sự siêng năng, chí thú làm ăn nên khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình trồng hoa cúc Tiger đã được bà con nông dân huyện ngoại thành Cờ Đỏ trồng rất nhiều. Mô hình không những góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống cho bà con, mà còn tô điểm thêm sắc thắm cho một vùng quê nông nghiệp
|
Chị Nguyễn Thị Đường, ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ chăm sóc hoa cúc Tiger. |
Ngày nào cũng vậy, sau khi lo toan mọi việc của gia đình, chị Nguyễn Thị Đường, ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ lại tranh thủ thời gian chăm sóc cho vườn hoa cúc Tiger của gia đình. Bởi, đây là một trong nguồn thu nhập chính của gia đình. Chị Đường cho biết, ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật trồng hoa cúc Tiger, nên gia đình cũng không dám đầu tư, chỉ trồng 1.000 cây ở 300m2 đất trước nhà. Sau những đợt trồng, kinh nghiệm cũng được nâng cao và gia đình cũng quyết định tận dụng thêm 1.000m2 đất bờ của gia đình mở rộng diện tích trồng hoa. Đến nay, gia đình trồng 6.000 cây hoa cúc mỗi đợt, mỗi năm khoảng 4 đợt. Giá cúc bán bình quân 5.000 - 7.000 đồng/cây, vào những ngày Rằm và 29-30 âm lịch hằng tháng, giá cúc có thể lên đến từ 10.000 - 12.000 đồng/cây. Nhờ vậy, mỗi đợt trừ hết chi phí, bình quân gia đình thu nhập gần 10 triệu đồng. Cũng nhờ vào nguồn thu nhập của vườn hoa cúc Tiger này, mà gần 2 năm nay, mọi chi tiêu trong gia đình của chị gần như thoải mái hơn. Chị Đường phấn khởi nói với chúng tôi: "Hồi trước nhà tôi chưa có trồng hoa chi tiêu cũng chật vật lắm, đôi lúc thiếu thốn nữa. Do lấy công làm lời, hoa trồng được quanh năm, nên thu nhập từ trồng hoa có thể trang trải mọi chi tiêu trong gia đình".
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đường cho biết thêm hoa cúc Tiger cũng dễ trồng, nếu nắm vững kỹ thuật trồng như lựa chọn nền trồng, lên liếp, tạo môi trường đất thoáng, chăm sóc cây kỹ lưỡng từ nhỏ cho đến trổ hoa
Trong đó, người trồng phải chú ý đến giai đoạn trổ nụ của hoa, giai đoạn này quyết định số lượng hoa trên một cây và hoa lớn hay nhỏ. Nên giai đoạn này, gia đình chị dành nhiều thời gian để chiết bớt nụ trên một cành, lựa chọn nụ cái. Đối với hoa cúc Tiger có thể trồng quanh năm, nhưng vào khoảng tháng mùa mưa thì người trồng phải chăm sóc thật kỹ, bởi mùa này mưa nhiều ảnh hưởng đến việc ra hoa, nhất là có thể làm chết cây. Để tránh hoa không hao hụt, cộng với việc thích ứng với thời tiết, ngoài chăm sóc kỹ từng giai đoạn, gia đình tôi còn chú ý đến lượng phân bón và sử dụng thuốc xử lý vi khuẩn để bộ rễ cây phát triển được tốt".
Chính nhờ việc nắm vững kỹ thuật trồng, nên khoảng 2 năm trở lại đây mô hình trồng hoa cúc Tiger đã được nhiều bà con trong huyện Cờ Đỏ trồng nhiều. Không những vậy, nhiều bà con trồng hoa cúc Tiger còn biết kỹ thuật điều tiết lúc ra hoa, nhất là lựa thời điểm hoa nở rộ, cây nhiều hoa và lớn, nên lợi nhuận mang lại từ mô hình khá cao. Ông Nguyễn Văn Trung, ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, cho biết: "Gia đình tôi trồng cũng khoảng 2 năm rồi, diện tích khoảng 200m2, trồng khoảng 1.500 cây, nên tôi áp dụng biện pháp nuôi hoa, hay điều tiết cho hoa nở sớm hoặc trễ để hoa có thể nở rộ bán đúng vào các dịp lễ, rằm, thì được giá cao. Bình quân mỗi vụ lãi hơn 5 triệu đồng".
Mô hình trồng hoa cúc Tiger cũng không cần tốn nhiều diện tích, nên các hộ ít ruộng đất, không ruộng đất cũng có thể tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng hoa. Tính từ đầu năm đến nay, bà con nông dân huyện Cờ Đỏ đã trồng hơn 4 ha cúc Tiger. Ông Đỗ Xuân Phúc - Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Mấy năm trước bà con cũng trồng loại hoa này nhưng với diện tích nhỏ. Với đặc thù có thể trồng quanh năm, lại dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, nên khoảng 2 năm nay, diện tích trồng cúc Tiger được nhân rộng. Tôi thấy mô hình này cũng hay, có thể nhân rộng cho những hộ nghèo, ít đất sản xuất trên địa bàn để tăng thu nhập".
Với lợi nhuận mang lại khá cao từ mô hình trồng hoa cúc Tiger, đã giải quyết công ăn việc làm nhiều hộ dân huyện ngoại thành Cờ Đỏ, giúp họ có thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.
Bài, ảnh: Công Thịnh