Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, (60 tuổi, ngụ ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) trồng cỏ may mắn 3 năm nay, cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/tháng.
Các sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, sáng tạo được khách hàng ưa chuộng.
Bà Oanh cho biết, năm 2013 trong khoảng thời gian bà lên TP Hồ Chí Minh thăm con gái, để tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi nên bà nhờ con gái giới thiệu và xin theo học nghề trồng cỏ may mắn từ một kỹ sư. Lớp học khi đó có đến 15 chị em phụ nữ, nhưng sau hơn 3 tháng học nghề, chỉ có duy nhất bà trụ lại vì nghề tưởng chừng như đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cũng khá công phu, tỉ mỉ. Năm 2014, bà Oanh bắt tay vào sản xuất thử nghiệm, nhưng cây làm ra không đạt chất lượng. Mãi đến năm 2015, sau nhiều lần thất bại bà mới hoàn thiện được sản phẩm và đưa ra thị trường. Ban đầu, bà chỉ bán theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ. Dần dần mặt hàng được nhiều người biết, nhận thấy nhu cầu ngày càng cao bà đẩy mạnh sản xuất để cung ứng ra thị trường. Bà Oanh lý giải về tên gọi độc đáo của loại cỏ này: “Do nhiều người mua đồn thổi khi mua sản phẩm từ cỏ này sẽ đem lại sự may mắn nên đặt tên như thế. Thật ra loại cỏ này được ươm từ hạt thanh long từ một cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh”.
Khách hàng thường mua cỏ may mắn để trang trí bàn làm việc, phòng khách, hay biếu tặng nhau… Đa phần những người làm việc văn phòng thường xuyên tiếp xúc với máy tính làm đầu óc căng thẳng. Vì vậy, với màu sắc xanh mướt mắt, giúp giải tỏa căng thẳng nên được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó, loại cỏ may mắn khó trồng, thị trường ít người bán, nên cơ sở của bà nhận được nhiều đơn hàng ở nhiều cửa hàng hoa cảnh đặt mua với số lượng lớn. Để tạo ra một sản phẩm cỏ may mắn đủ chuẩn đẹp, công đoạn đầu tiên là khâu bẻ khung, cột chỉ tạo hình, sau đó đem phơi cho thật khô, tiến hành xử lý và đắp hạt giống… khung phải được uốn nắn đều tay theo tỷ lệ thích hợp, cân xứng; nền phải có đủ độ ẩm và các dưỡng chất cần thiết; hạt giống phải đắp đều, để khi nảy mầm đảm bảo cây phải phủ đều trên bề mặt khung. Chỉ cần vài phân khung hạt giống không nảy mầm sản phẩm sẽ bị lỗi, phải bỏ đi. Khó nhất là khâu ghép hạt, loại hạt này phải trải qua các khâu chế biến độc quyền từ một cơ sở sản xuất tại Sài Gòn.
Sau khi gieo hạt 3 ngày, cây nảy mầm và tiếp tục được trồng trong mát thêm khoảng 10 ngày, mỗi ngày đem phơi nắng vào buổi sáng sớm khoảng từ 8-9 giờ. Khi cây ra đủ 2 lá thì có thể bán được. “Khi cây ra đủ 2 lá, người sử dụng mua về trưng nếu tưới nước theo đúng kỹ thuật, khoảng 1 tuần tưới 2 lần, vài ngày đem phơi nắng sớm 1 lần thì cây có thể sống hơn 1 năm”, bà Oanh cho biết.
Đến nay, bà Oanh đã sáng tạo được hơn 10 mẫu cỏ may mắn như trái tim, đôi thiên nga, quả cầu, chiếc lá, ngôi sao… Và một số sản phẩm được bà sáng tạo để tăng sức cạnh tranh trên thị trường như bon sai mini may mắn, cây phát tài. Chậu trồng phải được dùng loại men cao cấp và được thiết kế với màu sắc và hoa văn đơn giản, tinh tế, không nứt, không bị răn.
Chia sẻ cách chăm sóc, bà Oanh cho biết, khi phát hiện cây có hiện tượng vàng úa, khô héo, rụng lá phải kịp thời có những biện pháp chăm sóc giúp cây hồi phục lại sức sống. Không nên cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu xạ vào cây để tránh làm cho sức nóng của ánh nắng gây ảnh hưởng bất lợi đến cây cối hoặc có thể làm cho cây chết do bị mất nước. Nơi chăm sóc cây phải là nơi mát mẻ, tránh gió mạnh. Cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ, đồng thời có thể hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi tuần một lần, sau mỗi tháng thì sẽ tăng dần lượng, sau khoảng 2-3 tháng thì sẽ tăng nồng độ. Thời gian từ khi ươm giống đến ngày xuất bán khoảng 1 tháng. Mỗi tháng, bà Oanh xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm cỏ may mắn, chủ yếu giao cho các shop hoa ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Kiên Giang… với giá từ 50.000-80.000 đồng/chậu. Nhờ đó đem lại cho bà lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/tháng.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH