31/12/2018 - 18:00

Trở về với yêu thương 

Sau 20 năm chuyển từ Hà Giang đến Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn luôn hướng về cao nguyên đá Đồng Văn, về những cô gái Tày và nếp sống nơi rẻo cao. Tất cả được chị chuyển tải vào hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết viết về vùng đất này, trong đó có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim. Đánh dấu một chặng đường dài dịch chuyển và sáng tác, nữ nhà văn, nhà báo của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt tập tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao” đầy tự sự và cảm xúc.

Sách do NXB Hội Nhà văn phối hợp Liên Việt Book ấn hành năm 2018.

“Tôi đã trở về trên núi cao” là cuốn sách thứ 19 của Đỗ Bích Thúy, ghi lại những hồi ức, trải nghiệm, suy tư trong suốt quãng đường từ lúc còn thơ bé đến khi trưởng thành, dấn thân vào con đường văn chương; từ lúc còn sống nơi quê nhà Hà Giang đến khi chuyển đến đô thị Hà Nội... Sự "trở về" của Đỗ Bích Thúy là hành trình dài trong tâm tưởng và trong đời thật của người phụ nữ tuổi ngoài 40 với nhiều rung động, yêu thương.

30 bài viết được tác giả xâu chuỗi qua 3 phần: thuở niên thiếu với nhiều kỷ niệm đáng nhớ ở miền rừng núi, lúc trưởng thành với cuộc sống nơi Thủ đô và cuối cùng là tình bạn đẹp với những người trong giới thi họa, văn chương.

Mở đầu là một câu chuyện “Vạn năm, triệu năm”, dẫn dắt người đọc bước vào hồi ức của tác giả trên vùng cao nguyên đá. Đó là thế giới trong trẻo, hồn nhiên và đậm sắc núi rừng. Ở đó, sự thiếu thốn về vật chất bị lấn át bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, sự bình yên và cuộc sống ấm áp. Độc giả bị lôi cuốn theo bước chân của cô bé thích khám phá, hay mơ mộng giữa núi rừng tuyệt đẹp; cùng trải niềm hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình; những ký ức đẹp mà buồn về người chị gái đoản mệnh, về cô bạn thân bất hạnh và những đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã bị gả chồng…   

Đỗ Bích Thúy đến với Hà Nội và khi viết về Thủ đô, chị có những cảm nhận rất riêng và đặc sắc dù chỉ là những chi tiết nhỏ. Thế nên, những tác phẩm viết về Hà Nội của chị như: “Cửa hiệu giặt là” (Tiểu thuyết – 2014), “Đàn bà đẹp” (tập truyện ngắn – 2013)… luôn tạo ấn tượng với người đọc. Bởi theo Đỗ Bích Thúy: “Hà Nội đã trao cho tôi tất cả những điều đó, vui và buồn, hạnh phúc và đắng cay, một vài thành công, không ít thất bại, nhưng hơn cả, Hà Nội cho tôi một thái độ sống - luôn trân trọng tất cả những gì đã đến, đang đến và có thể đến trong cuộc đời này” (trang 132 bài “Một chỗ vừa vặn”).

Đỗ Bích Thúy còn chia sẻ, tâm tình về những vui buồn trong nghề viết văn, về những người bạn như: họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Phạm Hà Hải, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh… 

Đằm thắm, dạt dào cảm xúc và chiêm nghiệm toát lên qua hơn 250 trang sách của tập tản văn. Đây như một quãng dừng để Đỗ Bích Thúy nhìn vào chính mình, trải lòng với độc giả.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết