28/05/2023 - 18:46

Trợ lực để hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nhận thức được vai trò, tiềm năng của học sinh (HS), sinh viên (SV) đối với hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ có Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án). Mặc dù có nhiều nỗ lực từ các viện trường, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và từ phía các địa phương, song phong trào khởi nghiệp trong HS, SV vẫn tồn tại nhiều bất cập...

Thay đổi tư duy

Để rèn luyện, hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho HS, SV, tư duy dạy và học cần thay đổi.

Để rèn luyện, hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho HS, SV, tư duy dạy và học cần thay đổi.

Đề án ra đời nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HS, SV trong thời gian học tập tại nhà trường. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HS, SV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, có 100% các trường đại học, học viện; 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HS, SV được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp.

Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều địa phương tận dụng và phát huy vai trò của viện, trường để thúc đẩy khởi nghiệp trong HS, SV. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, 13 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp. Thời gian qua, thành phố phát huy trí tuệ của lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ chất lượng cao của các viện, trường trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ viện trường, các em HS, SV trong các dự án khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y - dược, bảo vệ môi trường. Song song đó, đẩy mạnh thương mại hóa, gắn kết nhu cầu ứng dụng các sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phong trào khởi nghiệp HS, SV phát triển mạnh mẽ, trước hết các trường học phải thay đổi tư duy. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: Thế giới đang thay đổi, phát triển doanh nghiệp giờ không chỉ là xây dựng nhà máy, nhà xưởng, thiết bị mà có một thế hệ doanh nghiệp số. Các doanh nghiệp này khai thác triệt để công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông minh, tận dụng sức mạnh tài sản trí tuệ nhằm tạo giá trị khác biệt và nắm bắt giá trị đó. Vì vậy, ngành Giáo dục cũng phải chuyển đổi mình, để giúp cho các địa phương hình thành khu đổi mới sáng tạo, nơi ươm tạo ra các dự án khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các doanh nhân công nghệ. Hiện nay tư duy đồng sáng tạo rất phổ biến ở nhiều nước, cả thầy và trò cùng học hỏi lẫn nhau. Muốn vậy, người thầy thay đổi tư duy thì trò mới thay đổi theo, thầy thay đổi giáo trình, trò sẽ có cách tiếp cận mới; nhà trường mở cửa mời các doanh nhân thành đạt vào chia sẻ câu chuyện, con người thật việc thật, giúp trò biết cách làm theo…

Hợp lực hỗ trợ

Theo các chuyên gia, khởi nghiệp luôn bắt nguồn từ ý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến sự thành công mà đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan như lên kế hoạch kinh doanh, tìm nhà đầu tư, nhân sự, thị trường... Trong đó, vấn đề phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhiều HS, SV cứ mải mê theo đuổi và kỳ vọng vào ý tưởng khởi nghiệp của mình mà quên đi yếu tố thị trường sẽ rất sốc nếu sản phẩm không được khách hàng đón nhận.

Theo ông Lê Kim Giao, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Hùng Vương (chuyên về giáo dục STEM và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục), để hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được bài bản, cần có sự đào tạo ngay từ khi phổ thông đến bậc cao đẳng, đại học. Đặc biệt, đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải gắn liền với văn hóa, kinh tế địa phương, phải thấu hiểu chính thị trường địa phương mới có thể giúp cho hoạt động khởi nghiệp thành công. Đại dịch COVID-19 và sự phát triển vượt bậc của công nghệ ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc mọi hoạt động cũng phải đổi mới sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân. 

Lực lượng HS, SV vốn có nguồn lực hạn chế nên quá trình khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các tổ chức trong chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, miễn giảm thuế… Bà Trần Hoài Phương cho biết: TP Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư hạ tầng, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện trường, trung tâm... Hiện thành phố đang thúc đẩy thực hiện đề án Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đóng vai trò là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối nguồn lực trong và ngoài thành phố hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp, HS, SV trên địa bàn thành phố và vùng ĐBSCL.

Nhiều ý kiến cho rằng, các bạn HS, SV khởi nghiệp thường rất trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng cũng cần nghĩ lớn và nghĩ xa. Trong đó, việc phát triển thương hiệu, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ là những vấn đề cần lưu tâm. Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong các chiến lược thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường, cần đề cao sáng chế và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Startup phải dựa vào công nghệ, sáng chế, tài sản trí tuệ để tạo nên thương hiệu, sự khác biệt, tính ưu việt và giá trị sản phẩm của mình. Việc coi trọng quyền sở hữu trí tuệ cũng tạo điều kiện cho phát triển đổi mới sáng tạo nhanh, mạnh và bền vững. Bởi đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy sở hữu trí tuệ thông qua yếu tố độc quyền và cần công cụ pháp lý bảo hộ sự sáng tạo và độc quyền ấy.

Chia sẻ bài viết