03/06/2012 - 20:29

"Trò chơi lớn" của Iran ở Afghanistan

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (phải) trong một chuyến làm việc với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Ảnh: Reuters 

Trong bối cảnh quân chiến đấu nước ngoài có kế hoạch rút khỏi chiến trường Afghanistan vào năm 2014, Iran đang sử dụng phương tiện truyền thông ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này để giành lấy ảnh hưởng, gây lo ngại cho Washington.

Gần 1/3 số phương tiện truyền thông ở Afghanistan do Iran hậu thuẫn, hoặc là về tài chính hoặc là về nội dung. Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Afghanistan nói: “Những gì Iran muốn và những gì họ đang phấn đấu là một thế lực ở Afghanistan để có thể đối phó với ảnh hưởng của Mỹ”. Theo hãng tin Anh Reuters, mỗi năm Iran chi khoảng 100 triệu USD cho Afghanistan, phần lớn là chi cho phương tiện truyền thông, các dự án xã hội dân sự và các trường học tôn giáo.

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký một thỏa thuận tại Chicago (Mỹ) nhằm trao quyền kiểm soát Afghanistan cho lực lượng an ninh của nước này vào giữa năm tới. Điều này đã đặt liên minh phương Tây trên một con đường “không thể đảo ngược” sau cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ qua. Giới phân tích an ninh cho rằng việc rút quân có thể dẫn đến sự bất ổn ngày càng gia tăng và sau đó một cuộc chiến tranh dân sự có thể xảy ra, đó sẽ là cơ hội cho Iran và các quốc gia khác di chuyển vào khoảng trống quyền lực. Trong quá khứ, khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào năm 1989, các nước láng giềng của Afghanistan đã nhảy vào trang bị vũ khí và tiền bạc cho các nhóm đối nghịch nhau để tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia này.

Mặc dù mối quan hệ giữa Kabul và Tehran đã được cải thiện sau khi chính quyền Taliban bị lật đổ vào năm 2001, nhưng mối quan hệ này dường như không “mặn mà” cho lắm. Điểm nóng mới nhất là việc ký kết một thỏa thuận chiến lược lâu dài gần đây giữa Mỹ và Afghanistan. Trông nó có vẻ mơ hồ, nhưng bản hiệp ước này là một dấu hiệu của các cam kết an ninh và tài chính mà Washington dành cho Afghanistan cho đến năm 2024. Trong khi đó, Tehran nhận thấy bản hiệp ước này là một mối đe dọa cho lợi ích của Iran tại Afghanistan, nên các phương tiện truyền thông do Iran hậu thuẫn ở Afghanistan đã phản ứng bằng cách tung ra các báo cáo then chốt của thỏa thuận và Tehran đe dọa sẽ trục xuất một triệu dân tị nạn của Afghanistan ở Iran nếu như hiệp ước này không được hủy bỏ. Không những thế, tờ báo Ensaf, một trong ba phương tiện truyền thông do Iran tài trợ đã xuất bản 6 bài viết có tính chất phê phán bản hiệp ước kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký trong chuyến thăm Kabul vào ngày 2-5 vừa qua.

Trong 200 năm qua, Afghanistan đã trải qua nhiều cuộc chiếm đóng của quân đội nước ngoài. Vì vậy, quốc gia này từ lâu đã có biệt danh là “The Great Game” (tạm dịch là Trò chơi lớn). Hiện Mỹ đang chuẩn bị rút quân ra khỏi Afghanistan nhưng Washington đang lo ngại Iran sẽ đạt được lợi thế chiến lược ở Afghanistan sau khi chứng kiến Tehran giành thế thượng phong ở Iraq sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Hiện ở Iraq, một nửa trong số 171 kênh truyền hình, vệ tinh và đài phát thanh được phát sóng do Iran tài trợ, một số kênh truyền hình và đài phát thanh khác thì dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh.

Chiến lược truyền thông của Iran hiện nằm trong một kế hoạch đa hướng ở Afghanistan. Hai quốc gia này cũng khá gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử. Iran cho biết trong năm 2010, nước này đã hỗ trợ 500 triệu USD cho các dự án tái thiết ở Afghanistan. Tehran đã xây dựng nhiều trường học cho cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Afghanistan.

Iran bắt đầu lan tỏa ảnh hưởng của họ đến Afghanistan thông qua các phương tiện truyền thông vào năm 2006. Ông Abdul Mujeeb Khalvatgar, Giám đốc điều hành tập đoàn phát triển truyền thông Afghanistan Nai cho biết: “Nhịp độ đã được đẩy nhanh kể từ năm 2011 khi Iran bắt đầu triển khai quan điểm của mình vào các phương tiện truyền thông ở Afghanistan”. Năm ngoái, người Afghanistan đã không khỏi bất ngờ khi kênh truyền hình Tamadon phát sóng một bài phát biểu trực tiếp của một phát ngôn viên của Quốc hội Iran khi ông này chỉ trích sự hiện diện của quân đội phương Tây ở chiến trường Afghanistan.

TRÍ VĂN (Theo Reuters)

Iran xây dựng trung tâm vũ trụ mới

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Tướng Ahmad Vahidi ngày 2-6 cho biết, Tehran đang trong giai đoạn hoàn tất việc xây dựng trung tâm vũ trụ mới, cho phép họ có thể phóng vệ tinh được chế tạo trong nước vào quỹ đạo. Theo ông Vahidi, 80% công việc xây dựng đã được hoàn tất. Tại đây, tên lửa đẩy loại nhẹ do Iran sản xuất mang tên Simorgh sẽ lần đầu tiên được sử dụng để đưa vệ tinh Tolo vào quỹ đạo. “Trong tương lai gần, cơ sở này không chỉ gửi vệ tinh trong nước, mà cả vệ tinh của các nước trong khu vực và thế giới Hồi giáo, lên quỹ đạo”, Tướng Vahidi nhấn mạnh. Dù không tiết lộ thông tin chi tiết địa điểm xây dựng, ông Vahidi cho hay trung tâm này sẽ được đặt theo tên của người sáng lập ra nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini.

Theo hãng tin Mỹ AP, Iran hiện đang có một trung tâm phóng vệ tinh lớn gần Semnan, khu vực cách Tehran 200 km về phía Đông, và một trung tâm vũ trụ theo dõi vệ tinh gần thành phố Mahdasht, nơi cách thủ đô nước này khoảng 70 km về phía Tây. Phương Tây lo ngại các chương trình không gian đầy tham vọng được triển khai từ hàng chục năm qua của Iran có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự vì công nghệ rốc-két đưa vệ tinh vào vũ trụ cũng có thể cải tiến phóng đầu đạn tên lửa xuyên lục địa. Ngoài ra, tuy các quan chức Iran nói rằng vệ tinh của họ chỉ nhằm giám sát thảm họa thiên nhiên và cải thiện hệ thống viễn thông, nhưng đồng thời tuyên bố nước này phải có khả năng đảm bảo an ninh tương thích khi mà Mỹ dùng vệ tinh để kiểm soát cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan.

VI VI (Theo AP)

Chia sẻ bài viết