03/11/2010 - 21:58

TP Cần Thơ

Triển khai thực hiện Nghị định 51 về tự tạo hóa đơn

Ngày 14-5-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Nghị định 51). Tiếp sau đó, ngày 28-9-2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51 (Thông tư 153). Theo đó, kể từ ngày 1-1-2011, các tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp) phải có trách nhiệm tạo hóa đơn bằng các hình thức: tự in, đặt in, hóa đơn điện tử để sử dụng cho mục đích bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Doanh nghiệp (DN) cần có bước chuẩn bị gì và làm như thế nào khi còn chưa đầy 2 tháng tới các quy định về tự in hóa đơn sẽ có hiệu lực thi hành?

* Bước chuyển cơ bản

Từ ngày 1-1-2011, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm tạo hóa đơn hàng hóa, dịch vụ. Trong ảnh: Sản xuất tại Doanh ngiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu. 

Từ trước đến nay, việc việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn được áp dụng theo Nghị định số 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn và Thông tư số 20/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30-12-2002 hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP. Theo các quy định vừa nêu, hóa đơn (do Bộ Tài chính – Tổng cục Thuế phát hành, DN tự in) tồn tại dưới dạng giấy, việc đăng ký, sử dụng của DN phải được giám sát chặt chẽ của cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và cả thế giới, nhiều phương thức giao dịch mới xuất hiện (giao dịch điện tử, thương mại điện tử, xuất hóa đơn qua mạng internet...) đòi hỏi cần có những điều chỉnh trong lĩnh vực thuế để phù hợp với tình hình mới.

Từ 1-1-2011, Nghị định 51, Thông tư 153 sẽ thay thế cho Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và Thông tư số 20/2002/TT-BTC. Ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Đây chính là sự thay đổi cơ bản, là một bước tiến mới trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính của ngành thuế; đáp ứng ngày càng cao yêu cầu hội nhập của DN, của nền kinh tế, sự thay đổi chính sách thuế trong và ngoài nước. Trước tiên, Nghị định 51 phân biệt rõ giữa việc tạo và lập hóa đơn. Vấn đề này được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tự in từ các máy móc, thiết bị tại DN; đặt các DN đủ điều kiện in hóa đơn, không phân biệt DN in hóa đơn hoạt động ở địa phương nào; khởi tạo hóa đơn điện tử theo Luật Giao dịch điện tử. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Nghị định 51, DN không cần xin phép hay đợi ý kiến của bất kỳ cơ quan nào, kể cả các cơ quan thuế; không quy định mẫu hóa đơn áp dụng chung. Đồng thời, việc DN tự thiết kế mẫu và đặt in hóa đơn sẽ mở rộng quyền làm chủ của DN trong in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thực hiện tự tạo hóa đơn theo Nghị định 51, Thông tư 153 cũng là nhằm đề cao quyền tự chủ của DN, coi hóa đơn chính là thương hiệu, là uy tín của DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

* Cơ quan thuế đẩy mạnh hỗ trợ, tuyên truyền

Nhằm giúp cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố nắm và thực hiện tốt việc tự tạo hóa đơn, trong tháng 10-2010, Cục Thuế TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch về việc triển khai Thông tư 153 và Nghị định 51 trên địa bàn thành phố. Thực hiện kế hoạch này, Cục Thuế TP Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền do đồng chí Cục trưởng Cục Thuế thành phố làm Trưởng ban. Tháng 10 vừa qua, Cục Thuế TP Cần Thơ đã tiến hành thông báo các số điện thoại kiểm tra, bộ phận tuyên truyền hỗ trợ... và đường dây nóng để DN liên hệ khi có vướng mắc trong công tác chuẩn bị thực hiện việc tự tạo hóa đơn tại DN. Cũng theo kế hoạch, từ nay đến ngày 10-11, ngành thuế sẽ phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện một số nội dung cụ thể sau: tuyên truyền Nghị định 51, Thông tư 153 đến tất cả các DN trên địa bàn thành phố; báo cáo danh sách DN in về Tổng cục Thuế, thông báo cho các DN trên địa bàn thành phố; rà soát, nắm tình hình của DN để xác định danh sách DN sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn mua của cơ quan thuế...

Ngoài các nội dung trên, Cục Thuế TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Sở Tài chính thành phố để tham mưu, đề xuất với UBND thành phố các giải pháp có hiệu quả, không để tình trạng DN in lợi dụng thời điểm cuối năm tăng giá, ép giá đối với các DN đặt in hóa đơn. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo, tuyên truyền các DN mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh biết quyền và nghĩa vụ của DN trong việc đặt in, tự in hóa đơn. Đồng thời, có kế hoạch hậu kiểm đối với các DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng lập DN buôn bán hóa đơn bất hợp pháp. Ngoài ra, Cục Thuế thành phố sẽ phối hợp với công an, lực lượng quản lý thị trường tăng cường thực hiện tốt quy chế phối hợp trong phòng, chống in lậu hóa đơn, hóa đơn giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... Nắm bắt kịp thời các hành vi gian lận mới, lợi dụng sự thông thoáng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

* DN làm gì?

Theo nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ, thực hiện Nghị định 52, Thông tư 153: chuyển từ quản lý chặt chẽ việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn sang “giao quyền tự do” gần như “tuyệt đối” cho DN nên DN bỡ ngỡ, lúng túng là hoàn toàn khó tránh khỏi. Chính vì thế, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành thuế là việc làm thiết yếu.

Đến thời điểm hiện nay, còn chưa đầy 2 tháng, Nghị định 51 và Thông tư 153 có hiệu lực thi hành, DN cần phải làm những gì? Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, DN cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về in hóa đơn do cơ quan thuế tổ chức. Từ đó, xác định DN mình thuộc diện tự in hóa đơn, đặt in hóa đơn hay mua hóa đơn của cơ quan thuế. Trường hợp DN thuộc đối tượng tự in hóa đơn, DN phải chuẩn bị máy móc thiết bị, phần mềm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thuế, trong đó đặc biệt lưu ý phần mềm ứng dụng dùng để in hóa đơn phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật bằng phân quyền cho người sử dụng. Trường hợp thuộc đối tượng đặt in hóa đơn, DN phải xác định số lượng hóa đơn cần in theo từng loại hóa đơn; xác định mẫu hóa đơn; tìm đối tác nhận in hóa đơn; dự thảo hợp đồng và ký hợp đồng in... Để đưa hóa đơn vào sử dụng, DN phải gửi thông báo phát hành kèm mẫu hóa đơn cho cơ quan thuế. Theo quy định của Thông tư 153, thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 5 ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký thông báo phát hành.

Theo quy định của Thông tư 153, tổ chức nhận in hóa đơn phải là doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh còn hiệu lực và có giấy phép hoạt động ngành in (bao gồm cả xuất bản phẩm và không xuất bản phẩm). Các DN này, phải in theo đúng nội dung hợp đồng in đã ký, không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào trong quá trình in hóa đơn cho các tổ chức khác thực hiện; lập và gởi báo cáo về việc nhận in hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một năm hai lần...

Ngoài ra, để tránh lãng phí, theo Cục Thuế TP cần Thơ, các tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm kê để xác định hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành đã mua hoặc hóa đơn do đơn vị tự in cũ còn tồn chưa sử dụng đến hết ngày 31-12-2010. Trường hợp tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng hóa đơn đã mua hoặc đã in thì đăng ký tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-3-2011 (thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20-1-2011). Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu tiếp tục sử dụng hóa đơn đã mua hoặc đã in thì thực hiện hủy hóa đơn và tiến hành tạo hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn mới theo hướng dẫn tại Thông tư 153. Trường hợp đến hết ngày 31-3-2011, tổ chức, hộ, cá nhân chưa sử dụng hết hóa đơn đã mua hoặc đã in thì tổ chức, cá nhân thực hiện hủy hóa đơn theo quy định...

Ngoài ra, Thông tư 153 còn quy định: Cơ quan thuế chỉ thực hiện bán hóa đơn cho DN siêu nhỏ (cơ sở kinh doanh có từ 10 lao động trở xuống), DN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong năm 2011. Từ năm 2012 trở đi, DN siêu nhỏ, DN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn phải tự tạo hóa đơn để sử dụng theo hướng dẫn...

Theo ngành thuế, các DN dù tự in hay đặt in hóa đơn đều phải tự thiết kế mẫu, trong đó phải đảm bảo đầy đủ các thông tin bắt buộc và các ký hiệu mật để nhận dạng. Tùy thuộc quy mô, đặc điểm hoạt động, DN có thể chọn một hay nhiều hình thức như áp dụng kỹ thuật in đặc biệt, dùng giấy đặc biệt (bóng mờ, giấy bóc vỡ, sợi phản quang...), mực in đặc biệt (đổi màu, không đổi màu...), mã vạch đa chiều...

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết