04/04/2010 - 20:36

TP Cần Thơ

Triển khai thí điểm điều trị Methadone cho 500 bệnh nhân

Thí điểm triển khai điều trị cai nghiện bằng Methadone góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở người nghiện ma túy. Trong ảnh: Nhân viên khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV.
Ảnh: Bích Ngọc

Sau Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, TP Cần Thơ là đơn vị tiếp theo được Bộ Y tế chọn thí điểm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Trưởng khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết:

- Tính đến 31-12-2009, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã phát hiện 7.011 trường hợp nhiễm HIV, ghi nhận 1.307 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Trên thực tế, số người nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS cao hơn nhiều. Từ năm 2001, thành phố đã khống chế được tốc độ tăng số người nhiễm HIV mới nhưng vẫn đang ở mức cao. Nguy cơ lây nhiễm HIV tại thành phố chủ yếu do hành vi quan hệ tình dục không an toàn và hành vi sử dụng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy, vì vậy dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong những năm tới.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy qua kết quả giám sát trọng điểm huyết thanh học HIV/AIDS hàng năm cho thấy vẫn đang ở mức độ lây nhiễm cao (năm 2009 là 41%). Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tính đến tháng 9-2009 hơn 1.600 người. Thực hiện chương trình Can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV, từ năm 2004 thành phố Cần Thơ đã triển khai Chương trình hướng dẫn và sử dụng bơm kim tiêm sạch đối với nhóm người sử dụng ma túy.

Trong những năm qua trên địa bàn thành phố, Chương trình phòng, chống các tội phạm về ma túy, Chương trình giáo dục cai nghiện (tập trung và tại cộng đồng) cho người sử dụng ma túy đã có nhiều thành công. Nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tái nghiện vẫn còn rất cao, một số người đã từng cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện và phải ra vào trại hay trung tâm cai nghiện nhiều lần. Thực hiện Nghị định 108/2007/NĐCP của Chính phủ, Bộ Y tế triển khai thí điểm Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại một số địa phương, nhằm làm giảm tỷ lệ tái nghiện cho người sau cai.

*Thưa bác sĩ, kết quả điều trị thay thế bằng thuốc Methadone ở các tỉnh, thành ở Việt Nam như thế nào ?

- Bằng chứng khoa học qua nghiên cứu kết quả tại một số nước trên thế giới cho thấy điều trị thay thế bằng thuốc Methadone giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) giảm tần suất sử dụng, dự phòng lây nhiễm HIV, giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tội phạm và giảm tỷ lệ tử vong.

Tính đến ngày 20-02-2009, thành phố Hồ Chí Minh và Hải phòng đã điều trị Methadone cho 871 bệnh nhân. Về sử dụng ma túy và thực hiện hành vi an toàn: Kết quả cho thấy tỷ lệ sử dụng các CDTP trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đã giảm xuống còn 57% sau tháng đầu tiên, 30% sau tháng thứ hai và 18% sau 3 tháng điều trị. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV giảm rõ rệt. Số liệu thống kê thời điểm tháng 12-2008 cho thấy, không có bệnh nhân nào còn sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy (trước khi điều trị tỷ lệ này là 24% tại TP Hải Phòng và 44% tại TP Hồ Chí Minh); tỷ lệ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục cũng tăng từ 23% trước khi điều trị lên 42%.

Về cải thiện sức khỏe và đời sống: Hầu hết bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể về thể chất, 390 bệnh nhân tăng 2 - 4kg sau 3 tháng điều trị, 114 bệnh nhân (23,7%) đang thất nghiệp đã tìm được việc làm sau 6 tháng tham gia điều trị. Bên cạnh đó, việc giảm hoặc ngừng sử dụng ma túy còn giúp bệnh nhân tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Ngoài ra, việc điều trị Methadone góp phần làm giảm lây nhiễm HIV, một số bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm người tiêm chích ma túy và từ nhóm này ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

* Đề án này được triển khai thí điểm ở TP Cần Thơ như thế nào, thưa bác sĩ?

- Ở TP Cần Thơ, bắt đầu triển khai thí điểm Đề án “Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” cho 500 người tại 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng. Đề án thực hiện thí điểm dự kiến trong 3 năm (từ 4-2010 đến hết năm 2012). Kinh phí triển khai Đề án trong năm đầu tiên dự kiến trên 4,1 tỉ đồng (trong đó từ Bộ Y tế trên 1,3 tỉ đồng; dự án FHI trên 2,3 tỉ đồng và ngân sách thành phố gần 450 triệu đồng; 2 năm tiếp theo (chưa tính chi phí mua thuốc- đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ) là 5,6 tỉ đồng-chủ yếu từ ngân sách thành phố.

Với các mục tiêu như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị; giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng CDTP trong nhóm đối tượng tham gia điều trị; xây dựng mô hình “Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn TP Cần Thơ.

Sau một năm, đề án sẽ đánh giá rút kinh nghiệm triển khai chương trình thông qua các chỉ số như tuân thủ điều trị, tỷ lệ ngừng chích ma túy, hành vi nguy cơ nhiễm HIV, khả năng lao động kiếm sống, hòa nhập cộng đồng và hành vi tội phạm hình sự. Qua đó, xác định những yếu tố thành công, khả năng nhân rộng, cũng như những vấn đề đặt ra và cách giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

*Người bệnh nào sẽ được tham gia điều trị, thưa bác sĩ?

- Người từ 18 tuổi trở lên, nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã qua nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành công, hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone (theo mẫu của Bộ Y tế, đăng ký tham gia tại Ban Chỉ đạo xã/phường). Đặc biệt, không chống chỉ định sử dụng thuốc Methadone và người nghiện phải có nơi cư trú ổn định tại TP Cần Thơ. Trường hợp không có hộ khẩu hoặc tạm trú dài hạn tại TP Cần Thơ, phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị Methadone. Thời gian đầu ưu tiên cho bệnh nhân tại quận Cái Răng và Ninh Kiều. Trong chọn đối tượng, ưu tiên người nghiện các CDTP bằng đường tiêm chích đã cai nghiện nhiều lần không thành công; bệnh nhân AIDS đang được chăm sóc điều trị tại mạng lưới chăm sóc điều trị ARV của TP Cần Thơ; người tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; người có cam kết hỗ trợ của gia đình và người bệnh đang nghiện các CDTP theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế.

Người tham gia điều trị được cấp Methadone miễn phí. Ngoài ra, ngành y tế cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan trong ngành y tế thực hiện việc chuyển gửi người bệnh đến các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS khi cần thiết. Đồng thời, phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội để người bệnh được hỗ trợ trong việc đào tạo nghề và tìm việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian dự kiến bệnh nhân đầu tiên được tư vấn, học tập tham gia chương trình điều trị theo qui trình điều trị Methadone của Bộ Y tế từ ngày 10-5-2010.

* Đến nay những hoạt động cụ thể nào của Đề án đã được triển khai tại TP Cần Thơ, thưa bác sĩ ?

- Đề án được xây dựng từ tháng 5-2009, có sự góp ý của các ban ngành liên quan đã được Hội đồng nhân dân thành phố nhất trí triển khai. Để đề án triển khai đúng tiến độ, UBND quận Cái Răng và Ninh Kiều cấp kinh phí và chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng hai quận tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị xong trước 25-4-2010. Nhân sự chuyên môn của 2 cơ sở điều trị đã được tuyển dụng, sắp tới Bộ Y tế tiến hành tập huấn chuyên môn kỹ thuật, địa phương tổ chức thực tập về chuyên môn và tổ chức vận hành cơ sở. Trang thiết bị đang thực hiện việc mua sắm. Ban chỉ đạo và ban xét chọn các tuyến được thành lập. Trong tuần đầu tháng 4-2010, dự kiến tổ chức hội thảo vận động chính sách và hướng dẫn xét chọn bệnh nhân tham gia điều trị tổ chức tại quận Cái Răng và Ninh Kiều. Dự kiến lễ khai trương 2 cơ sở điều trị và tiếp nhận đợt bệnh nhân đầu tiên vào trung tuần tháng 5-2010.

- Xin cám ơn bác sĩ !

HUỆ HOA (Thực hiện)

Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện (CDTP), giúp người bệnh không bị triệu chứng cai hêrôin và không thèm nhớ ma túy.

Methadone được dùng bằng đường uống. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc Methadone, có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng. Trong quá trình này, người bệnh vẫn xuất hiện hội chứng cai, tuy nhiên nhẹ hơn rất nhiều so với việc ngừng sử dụng CDTP khác.

Vì Methadone là chất đồng vận toàn phần, nên điều trị thay thế bằng thuốc Methadone có thể giúp người nghiện CDTP giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng CDTP, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp ổn định cuộc sống, có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Chia sẻ bài viết