21/02/2019 - 09:51

Triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch 

Đầu năm 2019, TP Cần Thơ chính thức vận hành hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Hệ thống này góp phần đảm bảo việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin hộ tịch thống nhất, đồng bộ, thông suốt cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Anh Lê Quang Tiến, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt đang nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch.

Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt), ông Nguyễn Văn Ba - người dân địa phương, làm thủ tục khai sinh cho cháu nội. Ông đề nghị Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường làm giấy khai sinh cháu ông gồm 1 bản chính và 6 bản sao. Sau khi nhập vào máy tính, viết sổ lưu, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường nhanh chóng giao trả kết quả cho ông. Nhận giấy khai sinh, ông Ba phấn khởi nói: "Bây giờ, người dân đi làm giấy khai sinh được cán bộ xem xét, giải quyết nhanh, không phải chờ đợi lâu như trước".

Anh Lê Nhật Lê, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Trung Kiên, vui vẻ cho biết: "Từ ngày TP Cần Thơ triển khai thực hiện hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, việc giải quyết hồ sơ cho người dân được thực hiện nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian. Với phần mềm này, việc tổng hợp báo cáo cho lãnh đạo UBND và Phòng Tư pháp quận theo từng tháng, quý sẽ thuận lợi hơn trước".

Còn anh Lê Quang Tiến, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: "Việc sử dụng hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch không chỉ tiện cho công dân, mà còn với cả cán bộ chuyên môn. Chúng tôi có thể cập nhật hoặc sửa đổi, trích xuất tất cả thông tin về hộ tịch của người dân trong phạm vi quản lý". Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đã giảm tải cho các cán bộ, công chức trong quản lý, tra cứu sự kiện hộ tịch công dân. Với cách làm thủ công trước đây, để tra cứu một sự kiện hộ tịch, phải tìm hàng trăm trang sổ gốc; còn nay, chỉ cần nhập dữ liệu mới, phần mềm tự động điền vào các phiên bản cần tới theo yêu cầu về thủ tục hành chính cá nhân, các truy xuất khác về hộ tịch đã đầy đủ… Nhờ thế, việc quản lý, tra cứu hộ tịch khoa học hơn, kết xuất báo cáo nhanh, chính xác.

Để vận hành hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống cho 160 công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn; đồng thời, đề nghị các quận, huyện thu thập thông tin người dùng để đề nghị Bộ Tư pháp tạo lập và cấp tài khoản chính thức. Sở Tư pháp thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn (đường truyền internet, máy tính, máy in, các phôi giấy tờ hộ tịch…), điều kiện về nhân lực (biên chế, trình độ tin học của công chức làm công tác hộ tịch) để triển khai hệ thống một cách hiệu quả. Mặt khác, Sở Tư pháp thành phố cũng quán triệt các Công chức Tư pháp - Hộ tịch khi khai thác, sử dụng hệ thống theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch và đúng quy trình của phần mềm đã được hướng dẫn, tránh tối đa các sai sót không đáng có.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, việc triển khai vận hành hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố sẽ góp phần hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch tại các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin hộ tịch thống nhất, đồng bộ, thông suốt cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Một trong những điểm mới của hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch là việc khai sinh đã tích hợp cả đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân cho công dân. Khi thực hiện đăng ký khai sinh trên hệ thống thông tin, Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm cập nhật thông tin của người được đăng ký khai sinh vào phần mềm đăng ký khai sinh, tiếp nhận mã số định danh cá nhân và in giấy khai sinh, trích lục khai sinh (bản sao) cho công dân. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và đăng ký hộ tịch. Qua đó, không chỉ đảm bảo thi hành một cách đồng bộ theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện; đồng thời, có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết