03/08/2023 - 10:57

Ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ:

Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng sức hút và hiệu quả của hoạt động xe buýt 

Sau gần 3 năm hoạt động, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đã từng bước xây dựng hình ảnh hiện đại, văn minh, được người dân ủng hộ. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiện đại hóa hệ thống xe buýt. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi cùng ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ.

 Hoạt động VTHKCC bằng xe buýt của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 như thế nào, thưa ông?

- Trên địa bàn thành phố hiện có 7 tuyến xe buýt nội tỉnh đang khai thác với tổng chiều dài 203km. Bao gồm: (CT-01) Ba Láng - Ô Môn, lộ trình tuyến 33km; (CT-02) công viên Sông Hậu - thị trấn Phong Ðiền, lộ trình tuyến 20km; (CT-03) Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ, lộ trình tuyến 29km; (CT-04) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ, lộ trình tuyến 17km; (CT-05) Ô Môn - Vĩnh Thạnh, lộ trình tuyến 41km; (CT-06) ngã ba Lộ Tẻ - Kinh B, lộ trình tuyến 27km; (CT-07) ngã ba Lộ Tẻ - thị trấn Cờ Ðỏ, lộ trình tuyến 36km.

Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa vào hoạt động các xe buýt hiện đại, tiện nghi vào khai thác với giá vé phù hợp làm thay đổi quan điểm của người dân trên địa bàn thành phố về hình ảnh xe buýt. Từ đó, người dân ngày càng quan tâm sử dụng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, xe buýt thực hiện được 40.389 chuyến (tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022), với 352.697 hành khách (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022), đạt doanh thu hơn 5,67 tỉ đồng (tăng 80,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 5 tuyến xe buýt gồm: (CT-01) Ba Láng - Ô Môn; (CT-03) Ô Môn - ngã ba Lộ Tẻ; (CT-05) Ô Môn - Vĩnh Thạnh; (CT-06) ngã ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) - Kinh B; (CT-07) ngã Ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) - thị trấn Cờ Ðỏ có lượng khách ổn định và phát triển. Các tuyến này kết nối đối lưu các tuyến xe buýt liền kề như tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng thuận lợi cho việc người dân đi lại.

 Trong quá trình hoạt động, VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đang vướng những khó khăn nào, thưa ông?

- Sau gần 3 năm hoạt động, mặc dù VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đã từng bước xây dựng hình ảnh hiện đại, văn minh, được người dân ủng hộ. Bên cạnh đó VTHKCC bằng xe buýt còn gặp khó khăn.

Cụ thể, 2 tuyến xe buýt đang hoạt động gồm: (CT-02) Công viên Sông Hậu - thị trấn Phong Ðiền và (CT-04) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ, khá vắng khách do điểm cuối tuyến chưa được kết nối đối lưu các tuyến xe buýt liền kề với các vùng lân cận. Người dân, nhất là các đối tượng như công nhân lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên vẫn đang chọn phương tiện xe cá nhân khi đi lại mà chưa ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển là xe buýt. Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines chưa đảm bảo tần suất hoạt động khai thác theo hợp đồng.

Mặt khác, các tuyến xe buýt lộ trình chỉ đảm bảo kết nối những điểm đến quan trọng của 9 quận, huyện. Chưa có nhiều mạng lưới tuyến xe buýt trục ngang để kết nối tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách chuyển tiếp đến trung tâm thành phố. Các bến xe buýt điểm đầu cuối hiện đang khai thác là bến tạm, hệ thống nhà chờ xe buýt hiện đang trong quá trình đầu tư nên vẫn khai thác các nhà chờ cũ, chưa tạo được sự tiện nghi, thu hút người dân sử dụng xe buýt.

 Như vậy, để tăng sức hút và hiệu quả của loại hình VTHKCC bằng xe buýt, thành phố đã triển khai các giải pháp thế nào, thưa ông?

- Sở GTVT TP Cần Thơ tiếp tục duy trì thực hiện công tác tuyên truyền rộng khắp từ nguồn kinh phí tuyên truyền được thành phố bố trí hằng năm. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua các phương tiện truyền thông báo, đài; in ấn các ấn phẩm tuyên truyền; tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền đến với học sinh, sinh viên và người lao động. Ðồng thời, tạo môi trường thân thiện để người dân tiếp cận đến hệ thống chính sách và tham gia sử dụng loại hình VTHKCC bằng xe buýt trong tương lai.

Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Xây dựng thêm điểm dừng, nhà chờ, trạm trung chuyển xe buýt hiện đại và hệ thống quản lý xe buýt thông minh. Qua đó, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ đẩy mạnh phát triển VTHKCC trên địa bàn thành phố để người dân tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi. Sở GTVT thành phố cũng tập trung rà soát mạng lưới tuyến, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có điều chỉnh cho phù hợp, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận sẽ mở mới hoặc điều chỉnh lộ trình tuyến...

 Xin ông cho biết rõ thêm về tiến độ triển khai thực hiện dự án "Trạm dừng nhà chờ xe buýt: 501 trạm dừng đón trả khách hiện đại" đang triển khai hiện nay?

Dự án "Trạm dừng nhà chờ xe buýt: 501 trạm dừng đón trả khách hiện đại" triển khai thi công từ tháng 2-2023. Theo đó, xây dựng, sửa chữa 70 nhà chờ trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy và 431 điểm dừng hiện đại. Dự án đang được nhà thầu khẩn trương thi công tại các vị trí trên địa bàn. Hiện nay đã lắp đặt được 220 vị trí trạm dừng hiện đại và đang lắp dựng 14 khung cột thép nhà chờ trên tuyến Võ Văn Kiệt, Lê Lợi…

Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý và Ðiều hành VTHKCC phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công trong công tác di dời 30 nhà chờ hiện hữu tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy để giao mặt bằng thi công đúng tiến độ đề ra…

TP Cần Thơ quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt. Trong ảnh: Nhà chờ xe buýt xây dựng mới trên địa bàn huyện Phong Điền. Ảnh: T.T

 Trong nửa cuối năm 2023, VTHKCC bằng xe buýt tại TP Cần Thơ sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?

- Tháng 6 vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định 1441/QÐ-UBND công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn thành phố. Sở GTVT trình UBND thành phố xin chủ trương tổ chức đấu thầu mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 9 tuyến xe buýt mở mới theo hình thức không trợ giá. Bao gồm 4 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liền kề với các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Trong năm 2023, Sở GTVT thành phố sẽ tổ chức khai thác hoạt động kết nối 4 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liền kề với các tuyến xe buýt đang hoạt động đi qua các tuyến đường trung tâm, khu vực đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp của thành phố và các tỉnh lân cận...

 Xin cám ơn ông!

TUYẾT TRINH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết