09/01/2022 - 10:07

Triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị tổng kết ngành tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc khẳng định Bộ sẽ tiếp tục điều hành tốt chính sách tài chính - NSNN, củng cố nền tài chính vững mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, đẩy mạnh chống thất thu, gian lận thương mại; hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp (DN)… để thúc đẩy kinh tế phát triển.  

Gỡ khó cho sản xuất kinh doanh là giải pháp đảm bảo nguồn thu NSNN. Trong ảnh: Công ty Southvia, TP Cần Thơ.

Thu NSNN vẫn vượt dự toán

Năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2021 khoảng 119.400 tỉ đồng để hỗ trợ gần 120.000 DN và 20.000 hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16.800 tỉ đồng và 38.000 tỉ đồng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174.200 tỉ đồng.

Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự nỗ lực của các địa phương, DN... nên thu NSNN vượt 16,4% dự toán, với 1.563.300 tỉ đồng (vượt 219.900 tỉ đồng), tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (khoảng 370.000 tỉ đồng) và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP). 

Trong tổ chức thực hiện thu NSNN, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Thu NSNN tăng 3,7% có sự đóng góp chủ lực từ các địa phương, nhất là 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm gần 40% tổng số thu nội địa cả nước. Nhiều địa phương hoàn thành thu NSNN và góp phần đưa nguồn thu ngân sách địa phương tăng 28,2% dự toán.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn. Ðến thời điểm hiện nay, số thu NSNN của thành phố đạt 381.532 tỉ đồng, vượt 4,56% dự toán và tăng 2,73% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (kể cả thu dầu thô) là 263.824 tỉ đồng, vượt 2,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 117.667 tỉ đồng, vượt 8,95% dự toán. Kết quả này là sự quyết tâm của các ngành, các cấp cùng với sự đồng lòng của DN và người dân thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho biết: Trong điều kiện thu ngân sách năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, chống thất thu - chuyển giá - gian lận thuế để khai thác tăng thu. Với sự nỗ lực của ngành thuế, tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2021 đạt 265.755 tỉ đồng, vượt 12,8% dự toán Trung ương giao, tạo điều kiện quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều địa phương đình trệ, nhưng có địa phương lần đầu tiên chạm mốc thu NSNN cao nhất từ trước tới nay, như tỉnh Thái Nguyên đạt 18.000 tỉ đồng. Một số địa phương tăng ấn tượng, như TP Hải Phòng tăng đến 23,7% so với dự toán Trung ương giao (đạt 95.500 tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2020)… đóng góp lớn vào nguồn thu NSNN.

Chủ động các giải pháp

Theo lãnh đạo các địa phương, việc đảm bảo cân đối NSNN năm 2022 đặt ra nhiều thách thức; các thủ tục hành chính có cải thiện, nhưng chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn… Do vậy, các địa phương đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các thủ tục và cùng địa phương triển khai ngay các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nhằm giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững. Ðẩy nhanh các chính sách hỗ trợ DN, người dân,... để góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng khẳng định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tốt các nguồn thu, đảm bảo chống thất thu, hạn chế thấp nhất nợ đọng thuế.

Bà Phan Thị Thắng cho biết, năm 2022, chỉ tiêu dự toán thu NSNN Trung ương giao thành phố là 386.568 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước. Thành phố sẽ tổ chức điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... phát sinh.

Các dự báo về tình hình trong nước và thế giới năm 2022 đều cho thấy tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, áp lực lạm phát tăng khiến nhiều quốc gia phải từng bước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Ở trong nước, dịch COVID-19 có thể kéo dài, xuất hiện biến thể mới, phức tạp, nguy hiểm hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát cơ bản được dịch; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Hồ Ðức Phớc cho biết, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy toàn ngành tài chính phải tăng cường “Ðoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Ngành Tài chính cũng xác định tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu kép. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Chia sẻ bài viết