Nhiều người lo ngại sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI) và robot có thể đe dọa đến quyền riêng tư, công việc và sự an toàn khi chúng được giao ngày càng nhiều nhiệm vụ vốn do con người đảm trách. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng AI vào đời sống có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề của nhân loại trong thế kỷ 21 này.
Chống các bệnh truyền nhiễm
Muỗi vằn Aedes aegypti đã lan từ châu Phi sang hầu hết các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mang theo các vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da, bệnh Zika và Chikungunya. Trong nỗ lực cắt đường truyền bệnh từ muỗi vằn, kỹ sư Rainier Mallol ở Cộng hòa Dominica đã hợp tác với bác sĩ y khoa Dhesi Raja ở Malaysia tạo ra các thuật toán AI gọi là “Trí tuệ nhân tạo trong Nghiên cứu bệnh dịch” (Aime), giúp dự báo nơi có khả năng bùng phát bệnh cao nhất.
Hệ thống kết hợp thời gian và địa điểm xuất hiện ca bệnh mới từ báo cáo của các bệnh viện địa phương, bao gồm 274 yếu tố thay đổi như hướng gió, độ ẩm, nhiệt độ, mật độ dân số, kiểu nhà ở – đều là yếu tố quyết định cách thức mà muỗi vằn lây truyền bệnh. Kết quả thử nghiệm Aime tại Malaysia và Brazil đến nay cho thấy hệ thống có thể dự báo nguy cơ bùng phát bệnh sớm 3 tháng với tỷ lệ chính xác 88%. Aime cũng xác định được “tâm” ổ dịch trong phạm vi 400m, cho phép ngành y tế địa phương can thiệp sớm bằng cách phun thuốc diệt muỗi và cảnh báo người dân. Hiện hệ thống đang được mở rộng thêm khả năng dự báo nguy cơ bùng phát bệnh Zika và Chikungunya.
Trong nỗ lực tương tự, Tập đoàn Microsoft đang triển khai dự án tên Project Premonition, sử dụng máy bay không người lái để xác định nơi có nhiều muỗi, sau đó sử dụng các bẫy tự động dùng ánh sáng và CO2 để bắt lấy chúng. Dùng các thuật toán máy tính để phân tích cấu trúc ADN từ muỗi và động vật bị chúng cắn, các chuyên gia có thể xác định mầm bệnh để có phương pháp ứng phó kịp thời.
Kiểm soát bạo lực liên quan đến súng đạn
Trước thực trạng bạo lực súng đạn gia tăng, hàng chục thành phố trên thế giới đã dựa vào công nghệ để tìm giải pháp cho vấn đề này. Đơn cử, hệ thống tự động ShotSpotter sẽ lắng nghe tiếng súng và báo động cho giới chức trong vòng 45 giây. Nó hoạt động nhờ sử dụng 15-20 cảm biến âm thanh để xác định tiếng súng nổ và sử dụng thuật toán để xác định hiện trường trong phạm vi bán kính 25 m.
Ngoài nhận diện tiếng súng, công nghệ học máy này còn biết đếm số lượt bắn, giúp cảnh sát biết họ sắp đối mặt với một hay nhiều tay súng, hoặc chúng có sử dụng vũ khí tự động hay không. Hiện có 90 thành phố (phần lớn tại Mỹ và một số nước ở Nam Mỹ, Nam Phi) đang dùng ShotSpotter, trong khi nhiều nơi khác thì đang xem xét sử dụng hệ thống giám sát này.
Ngăn chặn nạn đói
Khoảng 800 triệu người trên thế giới đang dùng khoai mì như nguồn lương thực chính (ngoài ăn nguyên củ còn làm bánh mì, bánh ngọt), song loại cây này dễ nhiễm bệnh và bị sâu hại tàn phá, làm chết hàng loạt. Để ngăn chặn, nhóm nghiên cứu tại Đại học Makerere (Uganda) cùng các chuyên gia về dịch bệnh cây trồng đã phát triển hệ thống tự động Mcrops giúp bảo vệ cây khoai mì. Mcrops cho phép nông dân dùng điện thoại thông minh giá rẻ để chụp ảnh cây trồng, sau đó thuật toán máy tính sẽ nhận diện dấu hiệu của 4 căn bệnh chính (thường tàn phá các rẫy mì) với độ chính xác tới 88%. Ngoài ra, các bức ảnh tải lên hệ thống được Mcrops phân tích để tìm kiếm các kiểu bệnh dịch, giúp giới chức địa phương kịp thời ngăn chặn bệnh dịch lây lan, có thể dẫn đến nạn đói.
Chống ung thư và mất thị lực
Mỗi năm, hơn 8,8 triệu người tử vong vì ung thư và 14 triệu người bị chẩn đoán mắc bệnh này. Để cải thiện tốc độ chẩn đoán và hiệu quả điều trị bệnh, phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo DeepMind của Google và Tập đoàn máy tính IBM đều phát triển công nghệ AI cho lĩnh vực này.
Cụ thể, DeepMind phối hợp với các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học cao đẳng Luân Đôn “huấn luyện” AI lên kế hoạch chữa trị bằng cách phân biệt mô khỏe mạnh với khối u từ ảnh chụp phần đầu và cổ, giúp bác sĩ xử lý chính xác phần cần loại bỏ. Trong khi đó, hệ thống chẩn đoán Watson AI của IBM có thể phân tích hình ảnh và đánh giá biểu hiện của bệnh nhân để nhận diện khối u với tỷ lệ chính xác lên đến 96%. Hệ thống hiện được thử nghiệm tại 55 bệnh viện trên toàn thế giới để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh ung thư ở vú, phổi, trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày và tuyến tiền liệt.
Kiểm soát hoạt động dùng điện
Phó giáo sư Valentin Robu, chuyên gia về các hệ thống thông minh tại Đại học Heriot Watt (Anh), đang hợp tác với công ty mới khởi nghiệp Upside Energy để phát triển các phương pháp mới để quản lý lưới điện. Theo đó, họ tạo ra các thuật toán học máy để giám sát sản lượng điện và nhu cầu sử dụng theo thời gian thực. Điều này đồng nghĩa năng lượng có thể được tích trữ trong giờ thấp điểm và phân phối lại vào giờ cao điểm. Một khi xe điện và các thiết bị dùng pin trong nhà trở nên phổ biến hơn (trong tương lai), hệ thống AI mới có thể sử dụng các thiết bị này lưu trữ năng lượng và góp phần gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo.
HUY MINH (Theo BBC)