21/12/2009 - 10:07

Trao Giải thưởng Sách Việt Nam 2009

Ngày 20-12, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Việt Nam 2009. Đến dự có các đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Giáo sư, Viện sĩ Vũ Khiêu cùng đông đảo những người yêu sách Hà Nội.

GS. VS Vũ Khiêu thay mặt nhóm tác giả nhận giải đặc biệt với bộ sách “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long-4 tập”. Bộ sách này do GS.VS Đặng Vũ Khiêu và cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đồng Chủ tịch Hội đồng biên soạn (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, xuất bản năm 2008). Ngoài ra, còn có hai giải Vàng dành cho sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh (NXB Trẻ, 2008) và “Bệnh học tim mạch tập 1+2” của tác giả Phạm Nguyễn Minh (NXB Y học, 2008); 9 giải Bạc, 15 giải Đồng, 11 giải Khuyến khích. Giải sách Đẹp gồm 3 giải Vàng thuộc về các tác phẩm: “Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh” của nhiều tác giả (NXB Kim Đồng, Nhà in Công ty in và Văn hóa phẩm, 2008); “Ca dao tục ngữ bằng tranh - 3 tập” của nhiều tác giả (NXB Kim Đồng, Công ty in và Văn hóa phẩm, 2008); “Truyện cổ Grim” của tác giả Hữu Ngọc (NXB Phương Đông, Công ty TNHH in và bao bì Hưng Phú, 2008); 7 giải Bạc, 10 giải Đồng, 11 giải Khuyến khích, 5 giải bìa đẹp.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Nguyễn Kiểm cho biết: So với năm 2008, năm nay số giải Vàng giảm nhưng giải Bạc, giải Đồng, giải Khuyến khích vẫn giữ mức như mọi năm. Những cuốn sách được đề nghị giải Vàng đều là những tác phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn cao. Đặc biệt, cuốn “Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long” là bộ sưu tập về Hà Nội đồ sộ, đầy đủ và hệ thống nhất từ trước đến nay, có thể xem đây là bộ bách khoa toàn thư về Hà Nội với sự tham gia của gần 1200 tác giả. Nét nổi trội của sách Đẹp 2009 là sự góp mặt của nhiều bộ sách công phu, gồm nhiều cuốn lẻ như các bộ: “ Những chuyện hay dành cho trẻ mầm non”-NXB Giáo dục, “Tủ sách danh nhân Việt Nam”-NXB Kim Đồng, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” - NXB Trẻ. Mỗi bộ sách đã tìm được ngôn ngữ trình bày phù hợp, có nét riêng, phong cách trình bày nhất quán, tạo ra vẻ đẹp hoàn chỉnh khi đặt riêng rẽ hoặc đứng vào bộ. Một số nhà xuất bản đã hình thành hoặc dần khẳng định phong cách trình bày riêng, tạo được dấu ấn với độc giả.

THÚY NGA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết