09/12/2010 - 21:03

ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TP CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020”

Trang bị nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xã hội

Giờ thực hành của học viên lớp dạy nghề uốn tóc miễn phí ở phường Long Hưng, quận Ô Môn.

Cuối tháng 11-2010, TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án ĐTN đến năm 2020) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với các mục tiêu, giải pháp và việc làm cụ thể. Trong đó, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo Đề án các cấp đối với việc triển khai và giám sát quá trình thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của toàn thành phố và từng địa phương trong thời gian tới.

* Thực trạng

TP Cần Thơ hiện có 62 cơ sở dạy nghề, gồm các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề quận, huyện và 35 cơ sở khác và doanh nghiệp có dạy nghề. Quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề hiện khoảng từ 30.000 – 34.000 người/năm. Cơ sở vật chất, thiết bị của một số cơ sở dạy nghề đã được tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn, phục vụ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực hành các nghề thông dụng trong xã hội. Toàn thành phố hiện có 685 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên cơ hữu là 421 người. Số giáo viên dạy nghề trình độ sau đại học là 52 người; trình độ đại học, cao đẳng là 458 người, trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề là 175 người. Có 547 giáo viên đạt chuẩn sư phạm. Nhìn chung, sau khi học nghề, kiến thức và kỹ năng nghề của người lao động đã từng bước được nâng lên. Tỷ lệ lao động có việc làm bình quân chiếm khoảng 80%.

Trên thực tế, công tác dạy nghề ở thành phố vẫn có những hạn chế nhất định. Năm 2009, tỷ lệ lao động nông thôn qua ĐTN ước đạt khoảng 15%, thấp hơn so với bình quân chung của thành phố là 39%. Lao động sản xuất theo kinh nghiệm là chính, thiếu kỹ thuật, kỹ năng, năng suất lao động thấp, giá trị sản phẩm chưa cao. Mạng lưới cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố; cơ sở vật chất tạm bợ, thiếu trang thiết bị dạy nghề. Cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu và yếu, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới. Chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chưa thu hút giáo viên có kinh nghiệm tham gia dạy nghề. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề hoặc không tìm được việc làm sau khi học nghề, không làm đúng nghề được đào tạo, thu nhập thấp...

* Mục tiêu và giải pháp

Đề án ĐTN đến năm 2020 hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề, tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động. Chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn ĐTN với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Với sự hỗ trợ của nhà nước, lao động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội được tham gia học nghề, trang bị các kỹ năng, kiến thức nghề để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo hiệu quả.

Học viên lớp dạy nghề may gia dụng miễn phí ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ trong giờ thực hành.

Mục tiêu cụ thể là: ĐTN ngắn hạn bình quân khoảng 5.000 lao động/năm và trình độ trung cấp bình quân khoảng 750 lao động/năm. Đến năm 2020, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua ĐTN là 30% và tỷ lệ lao động của thành phố được ĐTN là 55%, trong đó 60% tìm thêm việc làm mới tại gia đình và 40% tìm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương. Giai đoạn 1 (từ 2011-2015), đào tạo khoảng 28.750 người; giai đoạn 2 (từ 2016-2020), đào tạo khoảng 85.750 người, gồm nghề nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, vườn ao chuồng, vườn ao chuồng –biogas, nuôi trồng thủy sản...) và phi nông nghiệp (kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, y tế, dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch...). Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75-80% theo hình thức tìm thêm việc làm mới tại gia đình và các cơ sở kinh doanh.

Lao động nông thôn trong độ tuổi, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp đều được học nghề. Trong đó, ưu tiên các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật, bị thu hồi đất canh tác; hộ cận nghèo và các đối tượng lao động diện chính sách xã hội khác. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: Lao động nông thôn thuộc diện người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật, bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn 3 triệu đồng/người/khóa; tiền ăn 15.000 đồng/ngày/người. Lao động nông thôn thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn 2,5 triệu đồng/người/khóa, tiền ăn 10.000 đồng/ngày/người. Lao động thuộc diện chính sách xã hội khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn 2 triệu đồng/người/khóa, tiền ăn 10.000 đồng/ngày/người. Đối với tất cả người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại không quá 200.000 đồng/người/khóa. Đối với ĐTN trình độ trung cấp theo mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề được hỗ trợ chi phí học nghề không quá 190.000đ/người/tháng, trong 3 năm học...

Các cấp, các ngành chức năng thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, người lao động về vai trò của ĐTN đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập. Huy động các cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề. Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới. Hằng năm, các quận, huyện phải tổ chức điều tra, khảo sát chính xác nguồn lao động của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động qua ĐTN, cơ cấu ngành nghề tuyển dụng... để xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp bậc THCS, THPT để học sinh nhận thức đúng và chọn nghề học phù hợp...

Đề án tập trung triển khai các hoạt động: Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề, học nghề và cung lao động. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề; đầu tư biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề; nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, việc làm cho cán bộ xã, phường cũng như tập trung công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy và học nghề, hỗ trợ kinh phí cho lao động học nghề...

* Cần sự quan tâm từ cơ sở

TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án ĐTN đến năm 2020 gồm 26 thành viên, do đồng chí Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Theo kế hoạch, thành phố chọn quận Cái Răng và huyện Thới Lai là 2 đơn vị điểm trong thực hiện Đề án, tập trung xây dựng Đề án dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với chỉ tiêu cụ thể, chi tiết từng năm. Các quận, huyện khác lập kế hoạch dạy nghề từng năm, trong đó phải chú trọng xây dựng các mô hình dạy nghề và giải quyết việc làm cụ thể đối với từng nghề đăng ký đào tạo cho địa phương. Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo Đề án ở các quận, huyện trong tuyên truyền, vận động lao động học nghề, tạo việc làm, thường xuyên kết hợp kiểm tra, giám sát quá trình dạy và học nghề, định kỳ hằng tháng họp Ban chỉ đạo để kiểm điểm và rút kinh nghiệm việc thực hiện...

Đồng chí Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo “Đề án ĐTN đến năm 2020” đề nghị: Khi xây dựng kế hoạch ĐTN, các địa phương cần bám sát qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Cần đa dạng hình thức ĐTN theo hướng thị trường hóa, góp phần cung ứng lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tạo điều kiện giúp lao động nông thôn cập nhật thường xuyên các thông tin tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Trong quá trình thực hiện, cần có sự thống nhất, phối hợp đồng bộ của các ngành, đoàn thể chức năng trong xây dựng kế hoạch, định hướng và đổi mới phương thức ĐTN phù hợp từng thời điểm, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua ĐTN của thành phố theo mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết