Sơ cấp cứu ban đầu là hoạt động vô cùng ý nghĩa góp phần giảm thiểu mức độ nghiêm trọng do chấn thương, tai nạn gây ra, hạn chế tỷ lệ tử vong, thương tật cho người bị nạn... Xuất phát nhu cầu cấp thiết, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP Cần Thơ tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho học viên cấp 2 là những tình nguyện viên CTĐ và lái xe chuyển bệnh từ thiện CTĐ thuộc Hội CTĐ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có học qua các lớp tập huấn sơ cấp cứu cấp 1.

Tiết thực hành phương pháp sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn của các học viên.
Trong 5 ngày, các học viên được ôn lại 14 nội dung cơ bản của lớp cấp 1, triển khai 24 quy trình kỹ thuật sơ cấp cứu tai nạn, bệnh tật cơ bản thường gặp, sơ cấp cứu khi gặp tình huống tai nạn, tai nạn giao thông, bệnh tật xảy ra trong cộng đồng. Cụ thể, sơ cứu chấn thương cột sống cổ; cột sống lưng; chấn thương sọ não; chấn thương vùng bụng; các tổn thương vùng ngực; tổn thương mắt; ngộ độc; động vật cắn, đốt; say nắng; đột quỵ; trường hợp co giật và nguyên tắc xử trí tai nạn hàng loạt...
Tham gia lái xe tình nguyện CTĐ từ năm 2008 đến nay và qua tham dự nhiều lớp huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn cấp 1 hằng năm, ông Phạm Quốc An, sinh năm 1965, ở ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Qua 5 ngày dự lớp huấn luyện sơ cấp cứu cấp 2, tôi thấy kỹ năng sơ cứu của mình được nâng cao hơn, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Công tác sơ cứu đối với người bị tai nạn, tai nạn giao thông, bệnh tật là rất cần thiết đối với các lái xe chuyển bệnh từ thiện”. Bình quân mỗi tháng ông An vận chuyển 25-30 ca bệnh miễn phí đến Bệnh viện Long Xuyên, các bệnh viện ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Quá trình lái xe chuyển bệnh miễn phí, ông trực tiếp sơ cứu cho rất nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, khi đang vận chuyển bệnh nhân đến tuyến trên cấp cứu, gặp trường hợp bệnh nhân khó thở, ông cũng dừng xe để tiếp ô-xy cho bệnh nhân...
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Cần Thơ, Giám đốc Trung tâm huấn luyện CTĐ, cho biết: “Hằng năm, Hội CTĐ thành phố đều tổ chức huấn luyện cho các tình nguyện viên CTĐ và các lái xe CTĐ tình nguyện nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân, người bệnh trước khi chuyển đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu”.
Bài, ảnh: Xuân Đào