01/04/2019 - 08:59

Trăn trở “Chuyện đất - chuyện nước Cửu Long” 

ÐBSCL - vùng đất phù sa màu mỡ nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất… Làm sao giữ gìn cơ nghiệp mà ông cha đã dày công khai phá và hướng tới một tương lai thịnh vượng, bền vững cho vùng đất này?

Lời giải đáp cùng những kiến thức, biện pháp thiết thực được một nhà khoa học, một chuyên gia sinh thái và một nhà báo gửi gắm qua cuốn sách  “Chuyện đất - chuyện nước Cửu Long”,  do NXB Nông nghiệp xuất bản quý I-2019.

Sách gồm 38 bài viết đầy tâm huyết và trăn trở với thực trạng của đồng bằng châu thổ của 3 tác giả: PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ; Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL; nhà báo Trương Hòa Hội, Báo Tiền Phong tại Cần Thơ. 

Mở đầu bằng những bài viết nhẹ nhàng, các tác giả kể với bạn đọc những câu chuyện về khởi nguồn của vùng châu thổ Cửu Long, lồng vào đó là những kiến thức lịch sử, địa lý, khoa học bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Qua đó, phác họa nên một bức tranh tổng thể về đất, nước, thiên nhiên, con người, phong tục, tập quán nơi đây cùng quá trình hình thành nên nền “văn minh sông nước”. Thế nhưng, sự nóng vội và những chính sách không hợp lý trong phát triển kinh tế nông nghiệp…  đã “bức tử” nhiều dòng sông, hệ sinh thái, dẫn đến những hệ lụy không ngờ, khiến cuộc sống người làm nông lao đao. May mắn thay, nhận ra những sai lầm và kịp thời sửa sai bằng những biện pháp khoa học hợp lý, thuận theo tự nhiên đã giúp hồi sinh nhiều vùng đất, hệ sinh thái mà trong đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp Mười là một ví dụ tiêu biểu (bài “Đừng “bóp cổ” Đất và Nước”, “Hệ sinh thái Đồng Tháp Mười: Ráng mà giữ lấy nhé!”).

Vui chưa bao lâu, vùng đất Chín Rồng lại đối mặt với những nguy cơ, thách thức mới. Đó là những biến đổi không lường của khí hậu khiến lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn tấn công tứ phía; nỗi lo ô nhiễm và dịch bệnh sau khi bão tan; những trận sạt lở đất, bờ sông, bãi biển kinh hoàng; những đe dọa và hậu quả từ khai thác cát trái phép và xây dựng thủy điện ở thượng nguồn; đánh bắt và khai thác thủy hải sản kiểu tận diệt; nguy cơ lớn từ xây dựng quá nhiều nhà máy nhiệt điện than…

Mỗi một thách thức, nguy cơ, các tác giả đều phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả và đưa ra những giải pháp ứng phó, khắc phục để hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, có những bài viết ngắn, phản ánh những mô hình đã được ứng dụng hiệu quả, những con người tiên phong trong “cuộc chiến” với biến đổi khí hậu như: “Nước sạch sinh học - Niềm vui nhân đôi”, “Lục bình làm phân hữu cơ giảm ô nhiễm môi trường”, “Nước sạch - điều kỳ diệu từ cây chùm ngây”, “Làm giàu trên vùng đất dữ”, “Câu chuyện thay đổi từ cộng đồng”… Bên cạnh đó, sự chung tay của các tổ chức khoa học trên thế giới, cộng đồng quốc tế đã góp phần giúp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng từng bước giải quyết những khó khăn, tìm ra giải pháp khả thi và hướng đi phù hợp.

Đặc biệt, các tác giả cho rằng: Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên” là một quyết sách sáng giá và đúng đắn, mang lại hy vọng mới cho tương lai cho ĐBSCL. Các tác giả vì vậy cũng đưa ra thảo luận về cách hiểu và cách thực hiện Nghị quyết này.

Không chỉ phản ánh hiện thực và mang tính thời sự, “Chuyện đất - Chuyện nước Cửu Long” còn truyền tải và lan tỏa đến cộng đồng cách nghĩ, hành động và ý thức hướng tới một tương lai tốt đẹp cho vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong.

Độc giả có thể tìm đọc hoặc mượn sách tại Thư viện TP Cần Thơ.

Cát Ðằng

Chia sẻ bài viết