05/01/2023 - 16:41

Trăm năm bánh tráng Thuận Hưng 

(CTO) - Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển đã trở thành di sản quý giá của người dân địa phương. Những chiếc bánh tráng dẻo thơm từ làng nghề lan tỏa khắp nơi, trở thành món quà quê, món ăn đặc sản nhiều thương nhớ. Những ngày cận Tết, làng nghề rộn rịp, nhà nhà đông vui, tăng ca tráng bánh để kịp giao cho khách. Những hình ảnh ấy minh chứng cho sức sống trăm năm của bánh tráng Thuận Hưng.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện có khoảng 100 hộ làm nghề thường xuyên, nhưng đông vui nhất là dịp cận Tết.

Bà con chủ yếu tráng 3 loại bánh: bánh tráng lạt (có nơi gọi bánh tráng nem) dùng cuốn thịt, cá; bánh tráng dừa mè dùng để nướng và bánh tráng dừa mè ăn liền.

Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, làng nghề sôi động vụ Tết. Hầu như nhà nào cũng mướn thêm nhân công, công chuyện bắt đầu từ 1-2 giờ sáng, đến 8-9 giờ tối mới xong.

Với những lò tráng thủ công, mỗi ngày cho ra lò khoảng từ 1.500 cái đến 2.000 cái bánh (tức 1 thiên rưỡi đến 2 thiên bánh).

Bà Hà Thị Sáu là nghệ nhân tài hoa của làng nghề. Món bánh tráng ngọt của bà từng được trao Huy chương Vàng Liên hoan Bánh dân gian Nam Bộ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Do đầu tư máy tráng bánh nên năng suất của lò bà Sáu cao gấp 10 lần so với tráng thủ công. Dịp Tết, mỗi ngày lò bánh tráng bà Sáu cho ra lò từ 10.000 – 15.000 chiếc bánh (tức từ 1 muôn đến 1 muôn rưỡi bánh).

Chiếc bánh mỏng manh nhưng để làm ra, người thợ đã phải nhiều thời gian, công đoạn và tâm sức.

Không chỉ khách ở phương xa mà người dân địa phương cũng ưa chuộng món bánh quê hương.

Những đứa trẻ ở làng nghề lớn lên trong mùi vị bánh quê, giữa những liếp bánh tráng phơi trong nắng... đã nuôi nấng tình yêu nghề truyền thống ngày một lớn thêm theo thời gian.

Mai vàng đã nở, xuân đã về nơi làng nghề trăm năm. Giá cả và đầu ra ổn định vụ Tết, mỗi ngày lò bánh của bà con có thể kiếm tiền triệu nên ai nấy đều rất phấn khởi.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết