05/03/2012 - 22:45

CHỐNG MÙ CHỮ - PHỔ CẬP GIÁO DỤC

Trách nhiệm từ nhiều phía

Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục (CMC-PCGD) được xem là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Làm tốt công tác CMC-PCGD sẽ giúp địa phương nâng cao hơn nữa mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Sau một năm thực hiện công tác CMC-PCGD, dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng tại Hội nghị tổng kết công tác CMC-PCGD, hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng năm 2011 và triển khai nhiệm vụ 2012 do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ vừa tổ chức, công tác này vẫn còn nhiều việc phải bàn...

Sau một năm thực hiện công tác CMC- PCGD, TP Cần Thơ đã đạt được những
kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập-CMC-PCGD TP Cần Thơ, đến cuối năm 2011, thành phố đã có 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn CMC-PCGD tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn PCGD THCS. Trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 97,2%; học sinh tốt nghiệp THCS (cả 2 hệ) đạt 98,67%; thanh thiếu niên (15 tuổi đến 18 tuổi) tốt nghiệp THCS đạt 85,78%... Mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ biết chữ và PCGD trong nhân dân. Năm qua, TP đã có 68 trường đạt chuẩn quốc gia, (tăng 15 trường so với cùng kỳ), đạt 100% chỉ tiêu giao. Theo ông Lê Kim Sáu, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành quả đạt được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy Đảng , chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự phối hợp có hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Ông Đoàn Bá Diện, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cho rằng: “Để thực hiện thành công công tác CMC- PCGD, địa phương không ngừng củng cố và phát huy vai trò của hội Khuyến học và trung tâm học tập cộng đồng. Đi đôi với công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về mục tiêu, lợi ích từ việc học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa phương còn phải tạo điều kiện đi lại và học tập thuận lợi cho các học viên (mở lớp học tại phường), hỗ trợ những học sinh khó khăn có điều kiện đến lớp...”. Nhờ vậy, năm qua, tỷ lệ PCGD THCS trong độ tuổi 15-18 (cả 2 hệ) đạt trên 88%, tỷ lệ PCGD THPT ở độ tuổi 18-21 có bằng tốt nghiệp đạt trên 58%. Thới Thuận là một trong những phường tiêu biểu của quận Thốt Nốt thực hiện hiệu quả công tác này.

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ trao giấy khen cho các tập thể đạt thành tích tốt trong công tác CMC-PCGD năm 2011. 

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện hiệu quả công tác CMC- PCGD, thế nhưng, nhìn lại sau một năm qua, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như, việc thực hiện đề án PCGD mầm non 5 tuổi vẫn còn gặp khó khăn (thiếu phòng học dành cho lớp mẫu giáo 5 tuổi học bán trú 2 buổi/ ngày; thiếu trang thiết bị; đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên chưa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng theo quy định). Qua công tác kiểm tra CMC-PCGD năm 2011, dự báo tình hình một số ít nơi tỷ lệ đạt nhưng rất thấp, có nguy cơ không duy trì được các chuẩn PCGD THCS. Đặc biệt công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học các lớp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) còn hạn chế (năm 2011, toàn thành phố có 2,47% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, TCN; 47,67% đối tượng từ 18 tuổi đến 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, TCCN, TCN)...

Có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện kế hoạch phổ cập nói chung gặp nhiều khó khăn, cũng như công tác phân luồng chưa hiệu quả. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, tuy các ban, ngành, đoàn thể các cấp có phối hợp thực hiện công tác CMC-PCGD nhưng chưa thực sự bền vững. Bởi nhiều địa phương chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác phổ cập nên chưa sâu sát, chưa quyết tâm thực hiện. Một số địa phương còn khoán trắng cho ngành giáo dục, thiếu kiểm tra đôn đốc và kiểm tra việc mở lớp phổ cập... Theo ông Lê Kim Sáu, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đa số phụ huynh mong muốn con em tiếp tục học phổ thông để thi vào đại học; một số khác muốn con nghỉ học đi làm kiếm sống. Các quận, huyện chưa có biện pháp huy động và phối hợp với các ngành chức năng trong việc đào tạo TCN.

Thực tế cho thấy, tâm lý “đua nhau” vào đại học trong đại bộ phận học sinh, phụ huynh vẫn còn khá cao. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, học sinh chỉ vào học cao đẳng, trung cấp khi đã không còn cơ hội vào đại học, trong khi đó công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường phổ thông chưa thực sự mạnh mẽ. Bên cạnh đó, học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình do hoàn cảnh khó khăn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác CMC-PCGD, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Xã hội học tập-CMC-PCGD xã Trường Long, huyện Phong Điền, trong tổng số 4.419 hộ của xã, có 323 hộ cận nghèo, 439 hộ nghèo. Một số đối tượng phổ cập THCS do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên phải theo gia đình đi làm ăn xa, làm thuê theo mùa vụ, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng dạy học... Đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Quan trọng vẫn là ý thức của người dân về vấn đề học tập. Bởi thực tế đã có trường hợp gia đình (phần lớn là đảng viên), cha mẹ chỉ muốn con gái học hết phổ thông, rồi về tiếp công việc gia đình”.

Để nâng cao hiệu quả công tác CMC-PCGD, nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng, cần có sự phối hợp và cộng đồng trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong việc thực hiện công tác CMC-PCGD, không nên khoán trắng cho ngành giáo dục. Đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị... cho các trường học, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CMC-PCGD. TP Cần Thơ cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, TCCN, TCN tại các quận huyện, nhất là vùng sâu vùng xa để thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông...

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 61 Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục THCS vào tháng 7-2011, Thành ủy Cần Thơ đặt mục tiêu của công tác CMC-PCGD giai đoạn 2011-2015: Tiếp tục nâng cao dân trí, làm cho hầu hết công dân 21 tuổi ở các địa bàn thuộc TP Cần Thơ đạt trình độ học vấn THPT, giữ vững và nâng cao tỷ lệ công dân từ 15 tuổi đến hết độ tuổi biết chữ và đạt yêu cầu giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ... Để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự “cộng hưởng” của nhiều phía: nhà trường-gia đình- toàn xã hội, nhất là vai trò các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Chính vì lẽ đó, đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ chỉ đạo: “Lãnh đạo các ban ngành đoàn thể phải phát huy hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục; huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng PCGD, tạo cho toàn dân ý thức tầm quan trọng của việc học, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết